Đìu hiu làng nghề đóng xuồng, ghe trăm tuổi

Đìu hiu làng nghề đóng xuồng, ghe trăm tuổi

Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) ra đời và tồn tại hơn 100 năm qua, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2015. Những năm gần đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên số lượng xuồng, ghe tiêu thụ ngày càng sụt giảm, không ít hộ dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh đành bỏ nghề truyền thống của địa phương.

* Xuồng ế ẩm

Theo nhiều người dân ở Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài, thông thường, khoảng tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch hàng năm là thời gian xuồng tiêu thụ mạnh trong tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Kiên Giang… nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, đánh bắt thủy sản mùa nước nổi. Những năm gần đây, nước lũ từ thượng nguồn về trễ và ít, nhiều ngư dân không ra đồng đánh bắt thủy sản mùa nước nổi; xuồng gỗ của làng nghề bị cạnh tranh bởi xuồng bằng chất liệu composite. Do vậy, số lượng xuồng tiêu thụ cũng giảm sâu.

Đìu hiu làng nghề đóng xuồng, ghe trăm tuổi ảnh 1Nhiều cơ sở đóng xuồng, ghe ở rạch Bà Đài chỉ còn hoạt động cầm chừng. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Bà Trần Thị Bé Năm làm nghề đóng và kinh doanh xuồng, ghe ở xã Long Hậu cho biết, những năm gần đây, tình hình tiêu thụ xuồng trong mùa lũ không có sự gia tăng đột biến như trước, số lượng xuồng bán được không chênh lệch nhiều so với các thời điểm khác trong năm. Mùa lũ năm nay, thị trường tiêu thụ xuồng tiếp tục gặp khó khăn, giảm khoảng 70%, cơ sở của bà chỉ bán được hơn 40 chiếc, chủ yếu cho người dân ở tỉnh Bến Tre để chở thức ăn trong ao nuôi tôm, cua.

Tình hình xuồng bị “ứ hàng dội chợ” đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nhiều người dân ở làng nghề. Bà Trần Kim Bé (70 tuổi) ở xã Long Hậu có gần 50 năm gắn bó với nghề trét dầu chai thuê - một trong những công đoạn để hoàn thành chiếc xuồng.

Bà Bé chia sẻ, hơn 10 năm trước, Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài còn khá sung túc nên bà sống khỏe bằng nghề trét dầu chai thuê. Nhưng hiện giờ, nhiều cơ sở đóng cửa vì nhu cầu khách hàng mua xuồng, ghe giảm sâu, thu nhập của bà Bé cũng giảm khoảng 6 lần so với trước. Hiện nay, mỗi ngày, bà trét dầu chai cho 3 - 4 chiếc xuồng được trả công chưa tới 100.000 đồng (20.000 đồng/chiếc).

Tuy rất muốn giữ gìn nghề truyền thống của quê hương nhưng vì thu nhập bấp bênh, nhiều thợ đóng xuồng, ghe đành phải bỏ nghề. Ông Võ Văn Bé Mười ở xã Long Hậu có thâm niên làm nghề đóng xuồng, ghe hơn 35 năm cho hay, trước đây, khi nước lũ còn về nhiều và cá, tôm phong phú, chưa có xuồng làm bằng composite thì xuồng gỗ của rạch Bà Đài rất được ưa chuộng.

Đìu hiu làng nghề đóng xuồng, ghe trăm tuổi ảnh 2Bà Trần Kim Bé tại xã Long Hậu (Lai Vung, Đồng Tháp) trét dầu chai - một trong những công đoạn để hoàn thành chiếc xuồng. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, ông và những người làm nghề đóng xuồng phải tăng ca làm việc cả vào buổi tối. Dần dần, thị trường bị thu hẹp, dù rất buồn nhưng ông phải đành chuyển sang nghề khác.

Thị trường tiêu thụ ngày càng bị thu hẹp, trong khi đó, cây sao vườn - loại cây dùng để đóng xuồng ngày càng khan hiếm, tìm mua khó khăn, giá bán lại tăng cao khiến lợi nhuận từ mỗi chiếc xuồng kém hấp dẫn. Theo nhiều người làm nghề đóng và kinh doanh xuồng ở rạch Bà Đài, xuồng rộng 1 - 1,4 m có giá dao động từ 1,3 - 2,1 triệu đồng. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận của người bán là rất ít, chỉ trên dưới 200.000 đồng/chiếc.

Từ chiếc xuồng cui, theo nhu cầu của thị trường mà những người thợ tài hoa ở rạch Bà Đài đã cho ra đời nhiều loại như: xuồng cui Cần Thơ, xuồng ba lá Long An, xuồng ba lá Tháp Mười, ghe tam bản, ghe bầu Cái Răng… Thời hoàng kim, làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài có trên 150 hộ dân và cơ sở đóng xuồng, ghe, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Hiện nay, toàn xã Long Hậu còn hơn 50 gia đình, cơ sở duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh xuồng, ghe.

* Ghe lớn nằm bờ

Tại Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài, chẳng những xuồng nhỏ phục vụ nhu cầu đi lại, đánh bắt thủy sản ế ẩm mà nhiều chiếc ghe gỗ đóng mới có trọng tải lớn (tổng trị giá nhiều tỷ đồng) cũng tồn đọng suốt nhiều năm qua vì chưa tìm được nơi tiêu thụ.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Hậu Trần Văn Thanh cho biết, các ghe gỗ trọng tải lớn không bán được vì thị trường chuyển sang sử dụng ghe sắt. Để chở cát, hàng hóa… chủ yếu dùng ghe sắt để sử dụng lâu bền. Hiện nay, hệ thống giao thông đường bộ phát triển, vận chuyển hàng hóa bằng xe, ít dùng phương tiện thủy như trước đây nên việc tiêu thụ ghe gỗ càng khó khăn suốt thời gian dài.

Đìu hiu làng nghề đóng xuồng, ghe trăm tuổi ảnh 3Những chiếc xuồng của Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài được chuẩn bị chở đi tiêu thụ tại tỉnh Bến Tre. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Tại xã Long Hậu, đi dọc theo rạch Bà Đài, phóng viên TTXVN ghi nhận có trên 10 chiếc ghe gỗ với trọng tải từ 30-70 tấn đã nhuốm màu thời gian neo đậu dưới rạch và nằm trên bờ, mỏi mòn chờ đợi khách đến mua. Một số chiếc ghe được che chắn tạm bằng mái tôn hay tấm cao su nhưng cũng có những chiếc phơi nắng, phơi mưa, bị mối, mọt tấn công. Các chủ ghe xót xa nhìn tài sản của mình bị xuống cấp, hư hỏng theo thời gian và khó có thể thu hồi vốn.

Suốt 7 năm qua kể từ khi đóng hoàn thành, chiếc ghe gỗ 45 tấn của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Hương ở xã Long Hậu chưa tìm được chủ nhân mới, vẫn “neo” trên bờ. Chị Hương tâm sự, chiếc ghe này đóng bằng gỗ cây sến, cây sao với chi phí hơn 340 triệu đồng. Đây là cả gia sản của vợ chồng chị sau nhiều năm làm nghề đóng ghe. Lúc trước, 2 người khách hỏi mua nhưng trả giá quá thấp nên chị chưa thể bán. Vợ chồng chị đã bỏ nghề đóng ghe, chuyển qua nghề mua bán dừa để trang trải cuộc sống.

Gia đình chị Nguyễn Quỳnh Yến Ngọc ở rạch Bà Đài, xã Long Hậu cũng còn tồn đọng 5 chiếc ghe gỗ, vốn đầu tư hàng tỷ đồng. Sau nhiều năm không thể tiêu thụ, chiếm không gian trong sân nhà nên chị Ngọc quyết định thuê người tháo gỡ ván của những chiếc ghe để bán ván cho người có nhu cầu.

“Để đóng hoàn thành một chiếc ghe mất rất nhiều công sức, chi phí, bây giờ lại tốn chi phí tháo gỡ ra nhưng đành chấp nhận vì không còn cách nào khác”, chị Ngọc cho hay.

Khoảng năm 2013 trở về trước, nghề đóng ghe còn sung túc, ăn nên làm ra. Nhiều người mua ghe gỗ để đi hành nghề mua bán lúa, chở hàng hóa. Lúc đó, việc sản xuất ghe không kịp nhu cầu của khách hàng. Thấy vậy, cơ sở của ông Mai Văn Chặt ở xã Long Hậu không chờ có đơn đặt hàng mà chủ động đóng ghe trước để có sẵn hàng giao cho khách khi có nhu cầu.

Đìu hiu làng nghề đóng xuồng, ghe trăm tuổi ảnh 4Cây sao vườn, loại cây dùng để đóng xuồng ngày càng khan hiếm, giá bán tăng cao. Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Theo ông Chặt, khoảng 10 năm nay, thị trường ghe gỗ bỗng dưng “đóng băng”. Vậy là ông còn tồn lại vài chiếc, bị chôn vốn đầu tư nhiều tỷ đồng. Suốt thời gian dài không thể tiêu thụ trong khi ghe ngày càng xuống cấp, ông buộc lòng bán lỗ vốn. Sau nhiều năm gắn bó, ông Chặt đành bỏ nghề đóng ghe truyền thống để chuyển sang nghề trồng quýt.

Xuồng, ghe phục vụ nhu cầu đi lại giảm, để duy trì, gìn giữ nghề truyền thống, một số người dân ở rạch Bà Đài đã tìm hướng đi mới. Đó là sản xuất xuồng, ghe mini để bán cho khách hàng trưng bày, làm quà lưu niệm.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Hậu Trần Văn Thanh cho biết, UBND xã có nhiều cố gắng trong việc giữ gìn và phát triển Làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài; hỗ trợ người dân tìm thị trường tiêu thụ xuồng, đa dạng hóa sản phẩm. Đặc biệt, địa phương đã thành lập Tổ thủ công mỹ nghệ với 7 thành viên, chuyên đóng xuồng, ghe kích thước mini, bán cho khách hàng trong và ngoài nước để trưng bày, làm quà lưu niệm.

Nhựt An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm