Nguồn điều dưỡng quân đội còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và chưa cân đối về cơ cấu. Đây là nhận định của Thạc sĩ Phùng Thị Phương, Trợ lý Phòng Điều trị, Cục Quân y - Bộ Quốc phòng tại Hội nghị khoa học điều dưỡng năm 2020 do Bệnh viện Quân y 175, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 12/11.
Hội nghị thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các bệnh viện quân y khu vực phía Nam và các bệnh viện ngoài quân đội như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1...
Theo Thạc sĩ Phùng Thị Phương, cả nước hiện có 30 bệnh viện quân đội, mỗi năm thực hiện khoảng 3.600.000 lượt khám bệnh và thu dung điều trị gần 400.000 lượt người bệnh, trong đó đối tượng A (đối tượng quân đội) chiếm khoảng 25%.
Toàn quân hiện có hơn 14.800 nhân viên y tế, trong đó có khoảng 7.000 điều dưỡng. Về trình độ chuyên môn, đội ngũ điều dưỡng quân y có trình độ trung cấp chiếm đa số với khoảng 83%, cao đẳng 6,7% và đại học khoảng 10,13%.
Thạc sĩ Phùng Thị Phương nhận định, chất lượng của điều dưỡng trong các bệnh viện quân y vẫn chưa ngang bằng với đội ngũ điều dưỡng tại các bệnh viện ngoài quân đội; chỉ một số bệnh viện quân y lớn như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175... có đội ngũ điều dưỡng chất lượng tương đương với các bệnh viện thuộc khối dân sự.
Lý giải về điều này, Thạc sĩ Phùng Thị Phương cho rằng, các bệnh viện quân y phục vụ đối tượng chính là quân đội, tuy nhiên hiện nay tỷ lệ quân số khỏe của quân đội ở mức cao (khoảng 90%) do đó không mở rộng biên chế điều dưỡng.
Trong khi đó, các bệnh viện quân y hiện nay đa phần đều hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính nên vấn đề thu-chi rất cần cân nhắc. Từ đó, vấn đề tuyển dụng thêm nhiều điều dưỡng chưa được coi trọng.
Đồng tình với ý kiến trên, Đại tá, Tiến sĩ Trần Quốc Việt - Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho rằng, lực lượng điều dưỡng trong các bệnh viện quân y vẫn còn thiếu và yếu do lãnh đạo các bệnh viện vẫn chưa nhìn nhận đúng chức năng, vai trò của điều dưỡng. Trong khi đó, thực tế cho thấy, điều dưỡng đóng vai trò 50% sự thành công trong công tác điều trị cho người bệnh.
"Không chỉ đối với ngành quân y mà điều dưỡng tại Việt Nam nói chung chưa thực sự được nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò", Tiến sĩ Trần Thị Châu - Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam nhận định.
Theo Tiến sĩ Trần Thị Châu, điều dưỡng tại Việt Nam đang phải chịu áp lực lớn từ công việc, nhất là sự quá tải của các bệnh viện tuyến trên. Cùng với đó, sự nhìn nhận của lãnh đạo, nhân viên y tế khác và người dân chưa thực sự đúng khiến họ đang phải chịu nhiều thiệt thòi.
Để nâng cao chất lượng điều dưỡng trong các bệnh viện, Tiến sĩ Trần Thị Châu cho rằng, các bệnh viện cần cân đối số lượng điều dưỡng theo tỷ lệ phù hợp với số lượng giường bệnh và số lượng bác sĩ; nên phân lịch làm việc theo ca ngắn chỉ 8 giờ/ca thay vì 12 giờ/ca, nhất là với những khu vực có nhiều bệnh nhân nặng.
Các bệnh viện chú trọng phát triển công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế nhằm nâng cao trình độ cho các điều dưỡng; đặc biệt nâng cao nhận thức của lãnh đạo bệnh viện, nhân viên y tế và người dân, cộng đồng về vai trò quan trọng của lực lượng điều dưỡng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhiều báo cáo có chất lượng đến từ các bệnh viện quân y và ngoài quân đội được trình bày tại Hội nghị như: Đánh giá đặc điểm dinh dưỡng ở bệnh nhân đột quỵ não cấp của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Nghiên cứu sự thay đổi hành vi của điều dưỡng khi áp dụng gói chăm sóc phòng ngừa viêm phổi của Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long; Nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu đường truyền tĩnh mạch ngoại biên tại Khoa Hồi sức sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng 1...
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 28 triệu điều dưỡng, chiếm hơn một nửa số nhân viên y tế trên thế giới. Điều dưỡng là lực lượng đi đầu trong việc chống lại dịch bệnh và các đại dịch đe dọa sức khỏe toàn cầu.
Năm 2020 được Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn là Năm Quốc tế điều dưỡng và hộ sinh. Hội nghị Khoa học điều dưỡng năm 2020 là sự kiện khoa học nhằm cập nhật những kiến thức, tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc và an toàn người bệnh; quản lý điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn và hài lòng người bệnh./.
Đinh Hằng