Người dân xã Thành Lâm, huyện miền núi Bá Thước cùng chung tay làm đường, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Bá Thước là huyện miền núi nghèo, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới huyện gặp rất nhiều khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo còn cao, sản xuất nông nghiệp manh mún, năng suất cây trồng, vật nuôi thấp. Do đó, huyện đã lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, đồng thời tổ chức 70 lớp tập huấn cho 340 cán bộ huyện, xã và 256 thành viên Ban phát triển thôn, người dân về xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2010-2019, huyện Bá Thước đã huy động được 4.143 tỷ đồng vào xây dựng nông thôn mới; trong đó vốn ngân sách Trung ương là 243,79 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 41 tỷ đồng, vốn các dự án lồng ghép là 909,76 tỷ đồng, còn lại là huy động các nguồn khác. Huyện đã sử dụng nguồn vốn 765,9 tỷ vào xây mới, nâng cấp 146,5 km đường giao thông huyện, 112 km đường xã, 260 km đường thôn, đồng thời huyện cũng nâng cấp 50,65 km kênh mương, 40 công trình thuỷ lợi, xây dựng và sửa 42 trường học, xây mới 20 công sở xã và 60 nhà văn hoá thôn.
Một nhà nghỉ dưỡng sinh thái cho khách du lịch tại xã Thành Lâm, huyện miền núi Bá Thước. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Trong lĩnh vực phát triển sản xuất cho người dân, huyện đã sử dụng hơn 14 tỷ đồng để thực hiện 33 mô hình trồng trọt, 15 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình cơ giới hoá với 2.536 hộ tham gia. Hiện đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình cấy lúa SRI đưa năng suất lúa toàn huyện từ 46 tạ/ha năm 2010 đến nay tăng lên 56 tạ/ha năm, mô hình trồng ngô Đông trên đất 2 lúa cho hiệu quả kinh tế 40 triệu đồng/ha/vụ. Không những vậy, mô hình du lịch cộng đồng ở các thôn Kho Mường, xã Thành Sơn và bản Đôn, xã Thành Lâm đang ngày càng phát triển. Chỉ tích trong 6 tháng đầu năm 2019 huyện đã đón 21.971 lượt khách đến du lịch. Hiện huyện đã có nhiều doanh nghiệp gồm Công ty làng du lịch Pù Luông, Công ty Pù Luông Eco Garden và Công ty Pù Luông Hillside Lodge đang đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn.
Người dân xã Thành Lâm, huyện miền núi Bá Thước đang thu hoạch lúa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Nhờ thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch, trong 10 năm qua đã có 20.924 lao động được giải quyết việc làm, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 chỉ từ 9 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2019 tăng lên 30 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện đã có 3 xã Điền Lư, Tân Lập, Điền Trung và 58 thôn đạt chuẩn nông thông mới. Tại xã Điền Lư, giai đoạn 2010-2019 xã đã huy động được 183 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Sau khi tiếp nhận nguồn vốn xã đã xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất cho người dân, mở 20 lớp tập huấn về xây dựng nông thôn mới cho gần 4.000 người là cán bộ, nhân viên, người dân. Hiện nhiều hộ dân sau khi được hỗ trợ phát triển sản xuất đã vươn lên làm giàu, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016. Ông Nguyễn Văn Thành, thôn Điền Lý, xã Điền Lư cho biết, trước đây hoàn cảnh khó khăn ông phải đi làm thuê nhiều nơi. Năm 2015, được cán bộ nông nghiệp xã chuyển giao khoa học kĩ thuật, ông đã xây dựng mô hình nuôi gà sạch, kết hợp kinh doanh vật liệu xây dựng. Nhờ sự chăm chỉ trong công việc, tới nay cơ sở kinh doanh của ông đang nuôi 2.000 con gà sạch, 1 vườn cây hái quả và 1 cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, thu nhập 500 triệu đồng/năm, ông còn tạo việc làm cho 7 lao động với mức lương 3-4 triệu/người/tháng. Ngoài ra, ông còn luôn cùng cán bộ, xã thôn tích cực tham gia dọn dẹp đường làng ngõ xóm, vận động bà con chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Điền Lư, nhờ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, số hộ nghèo năm 2010 của xã là 170 hộ, đến nay giảm xuống còn 23 hộ, thu nhập bình quân đầu người chỉ 9,5 triệu đồng năm 2010 đến nay tăng lên gần 39 triệu đồng/người/năm. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục duy trì các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nhân rộng các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao; trong đó sẽ tiếp tục duy trì mô sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn ViẹtGAP để giúp người dân nâng cao thu nhập. Mặc dù vậy, xây dựng nông thôn mới tại địa phương còn nhiều hạn chế do trình độ dân trí thấp, việc huy động các nguồn lực còn hạn chế trong khi sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa bền vững, chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ chế biến, chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ông Vũ Đình Hảo, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Bá Thước cho hay, huyện phấn đấu giai đoạn 2020-2025 sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao và 3 xã đạt nông thôn kiểu mẫu. Đồng thời, huyện Bá Thước sẽ tiếp tục thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch và mời gọi các tổ chức khảo sát, đầu tư phát triển du lịch, hoàn thành lập quy hoạch các khu du lịch Thác Muốn, bản Đôn, bản Kho Mường. Cùng với đó, huyện Bá Thước cũng tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, làm sạch đường làng và ngõ xóm, xây dựng hệ thống xử lý rác thải tại các khu du lịch, lên kế hoạch tổ chức hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Nguyễn Nam