Diễn đàn là buổi tâm tình giữa các nhà văn khu vực tiểu vùng sông Mekong, cũng là dịp để họ chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận về trách nhiệm của nhà văn trước những vấn đề mới đặt ra cho mỗi quốc gia, mỗi dân tộc và cho cả thế giới; đồng thời đều thống nhất đánh giá những năm qua, các nhà văn 6 nước tiểu vùng sông Mekong đã có nhiều hoạt động nhằm xích lại văn hóa những dân tộc cùng chung sống trên một dòng sông Mekong. Bước đầu nhân dân các nước trong khu vực, trước hết là những nhà văn đã được tiếp xúc với những giá trị của nền văn hóa các dân tộc anh em ngoài quốc gia mình. Đích đến của các nước khu vực tiểu vùng sông Mekong là hòa nhập, bình đẳng với văn hóa thế giới, là có những sáng tạo khẳng định mình trước thế giới rộng lớn. Nhưng trước khi đạt đến điều đó, các nhà văn cần biến văn hóa khu vực sông Mekong thân thuộc của mình thành một khu vườn chung, trên đó mọc lên nhiều loại hoa đầy hương sắc. Từ đó củng cố, phát huy những gì đã đạt được để hướng tới mục tiêu cao hơn là hòa nhập bền vững với văn hóa các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN), làm cơ sở để hòa nhập với văn hóa các nước khác trên thế giới.
Diễn đàn Văn học sông Mekong với chủ đề: “Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong giao lưu, hội nhập quốc tế”. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Nhà thơ, Tiến sĩ Lê Thành Nghị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình – Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Trên tinh thần Việt Nam là bạn của mọi quốc gia, dân tộc, Nhà nước Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam … đã có nhiều chương trình, hoạt động giao lưu văn hóa với nhiều nước trên thế giới, với nguyện vọng mở cửa đề từng bước giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc mình, đón nhận những giá trị văn hóa của các dân tộc anh em, trong đó có văn hóa các nước cùng soi bóng xuống dòng Mekong. Hiện nay, rất dễ nhận ra sự khác biệt văn hóa của các nền văn hóa nhưng cũng không khó nhận ra các giá trị chung, đó là khát vọng chân - thiện - mỹ, là phẩm chất chung, là gốc của nền văn hóa các dân tộc anh em. Điều đó chứng tỏ các nước khu vực tiểu vùng sông Mekong đang trên đường từ cái nền chung của các giá trị mỹ học đi đến giữ gìn bản sắc văn hóa mỗi dân tộc, để nhận biết nét riêng biệt tâm hồn của mỗi dân tộc.
Phần lớn các nhà văn Việt Nam từng được rèn luyện, thử thách qua ngọn lửa cách mạng, chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những trang viết của họ cho thấy một vốn sống phong phú, thể hiện đậm đà lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi biến động của thời cuộc. Văn học Việt Nam vì vậy mang đậm tình thần yêu nước của chủ thể sáng tạo. Điều này làm nên nội dung cơ bản, phẩm chất cao quý của văn học cũng là cốt cách của văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay. Việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là nguyên lý tất yếu cho sự phát triển, tồn tại của dân tộc trong cộng đồng quốc tế. Hơn ai hết, các nhà văn nhận về mình sứ mệnh thiêng liêng: Là chủ thể sáng tạo văn hóa, là công dân yêu nước trên lĩnh vực phát triển sự nghiệp văn hóa, chịu trách nhiệm to lớn trước nhân dân về tương lai của dân tộc mình.
“Quá trình hội nhập quốc tế phụ thuộc vào sự tôn trọng quy luật tự nhiên, dựa vào độc lập, tự chủ, công bằng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc mỗi quốc gia. Nó đánh dấu cơ hội bình đẳng, không phân biệt màu da, giới tính, sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ hay nguồn gốc văn hóa, xã hội khác nhau. Nó tăng cường quan hệ gần gũi trong, ngoài khu vực phù hợp với nguyên tắc tôn trọng sự bình đẳng cùng có lợi”-nhà văn Roth Sena (Campuchia), người vừa đoạt giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ 9 chia sẻ.
Cùng chung quan điểm đó, Giáo sư Kyaw Win, Chủ tịch Hội Nhà văn Myanmar đánh giá cao Diễn đàn Văn học sông Mekong và Giải thưởng Văn học sông Mekong. Bên cạnh với việc khẳng định mục đích, tiêu chí của Giải thưởng Văn học sông Mekong 2018 là giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế, Giáo sư Kyaw Win cũng cho rằng Giải thưởng là mạng lưới văn học có hiệu quả để quảng bá tình đoàn kết, hữu nghị và phát triển văn học tiểu vùng sông Mekong.
Tại Diễn đàn, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Toàn cầu hóa là một điều kiện, thời cơ, động lực thúc đẩy sự phát triển của thế giới nhưng cũng đem đến nhiều thách thức với không chỉ một quốc gia mà của cả thế giới, đặc biệt với văn hóa. Đó là nguy cơ đồng phục hóa văn hóa, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.
Chăm lo đến đời sống văn hóa, làm cho văn hóa phát triển hài hòa là mục tiêu của các chính phủ trên thế giới. Chúng ta là những nhà văn tiểu vùng sông Mekong, thuộc phương Đông đang giao tiếp với phương Tây. Chúng ta kế thừa gì, tránh những gì khi tiếp xúc với phương Tây để làm giàu có những giá trị của văn hóa phương Đông. Đặc biệt, trong quá trình đó cần có cách nhìn nhận đúng đắn không đánh mất mình, đánh mất những giá trị văn hóa dân tộc, bởi mỗi một quốc gia tiểu vùng sông Mekong cần bay trên đôi cánh của dân tộc và nhân loại; tiếp thu tinh hoa của văn hóa thế giới để làm giàu bản sắc văn hóa của dân tộc, khu vực, giải quyết hài hòa giữa mối quan hệ của dân tộc, thời đại.
Riêng với các nhà văn khu vực sông Mekong, tiếp thu văn hóa thế giới nhưng các nhà văn cần đào sâu lịch sử văn hóa dân tộc mình. Đó là tư duy nghệ thuật đúng đắn cho sự sáng tạo của họ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: Giải thưởng Văn học sông Mekong ngày hội của văn học, là biểu tượng tốt đẹp của sự giao lưu, hợp tác giữa các nhà văn trong khu vực. Bởi vậy, sắp tới các nước cần tập trung nâng cao chất lượng giải thưởng, coi đó là nội dung quan trọng nhất trong hợp tác, phát triển văn học của tiểu vùng; mong muốn nhà văn các nước trong khu vực tích cực viết về Việt Nam. Trước mắt, Việt Nam đưa ra một số sáng kiến về tăng cường dịch thuật, trong đó đề nghị các nước vùng sông Mekong sớm chuyển tác phẩm để Việt Nam dịch, phát hành và mong các nước bạn dịch tác phẩm của Việt Nam. Việt Nam sẽ mở trại sáng tác, mời các nhà văn khu vực tiểu vùng sông Mekong tham gia để có những tác phẩm viết về Việt Nam một cách chân thực, sống động.
Sắp tới Giải thưởng Văn học sông Mekong lần thứ 10 tổ chức tại Myanmar và các năm tiếp theo các tác phẩm tham dự cần tập trung viết về tình hữu nghị, hợp tác, gắn bó giữa các nước trong tiểu vùng sông Mekong. Đó là tiêu trí quan trọng nhất cần được tập trung nâng cao để chất lượng giả thưởng được nâng lên một tầm cao mới, góp phần xây dựng tiểu vùng sông Mekong thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị, cùng phát triển.
Mỹ Bình
TTXVN