Một tiết học theo mô hình VNEN của cô và trò Trường Tiểu học Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé. Ảnh: baodienbienphu.info.vn |
Mô hình VNEN được triển khai tại Điện Biên từ năm học 2012 – 2013 với 68 trường Tiểu học tại 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đến năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh vẫn duy trì được 219 trường ở 2 cấp Tiểu học và Trung học cơ sở. Qua 7 năm triển khai, mô hình đã góp phần tích cực vào quá trình giáo dục phẩm chất, năng lực học sinh. Giáo viên trực tiếp giảng dạy áp dụng phương pháp tổ chức các hoạt động học của học sinh một cách linh hoạt, giúp học sinh phát huy năng khiếu cá nhân, tăng cường hợp tác nhóm. Nhờ đó chất lượng giáo dục của tỉnh không ngừng được nâng lên, riêng năm học 2018 – 2019, tỷ lệ học sinh Tiểu học hoàn thành chương trình lớp học đạt trên 99%, cao hơn 0,3% so với mô hình hiện hành. Các chỉ số về năng lực tự phục vụ tự quản, chăm học chăm làm loại tốt đều đạt ngưỡng khoảng 50%. Mô hình trường học mới VNEN đã phát huy được tính chủ động của học sinh trong quá trình tiếp thu kiến thức mới; quá trình tương tác giữa người dạy và người học giúp học sinh phát triển kỹ năng phân tích, tổng hợp, hình thành năng lực. Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp dạy học giúp giáo viên ngày càng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm…
Tuy nhiên, khi triển khai mô hình VNEN trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng gặp một số bất cập, hạn chế. Đó là công tác tuyên truyền về mô hình tại một số đơn vị cơ sở chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng dẫn đến nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, người dân về mô hình chưa thực sự đầy đủ. Các trường chưa tích cực thu thập thông tin phản hồi từ nhân dân về mô hình để điều chỉnh cho phù hợp. Một số giáo viên khi tổ chức các hoạt động dạy học còn rập khuôn, máy móc; nhiều giáo viên chưa thực sự linh hoạt, còn ham giảng giải, thuyết trình dẫn đến chưa phát huy được vai trò của nhóm trưởng trong việc điều hành học sinh trong nhóm hoàn thành nhiệm vụ học tập. Khả năng thiết kế và tổ chức trò chơi học tập của nhiều giáo viên còn hạn chế, việc thuyết trình, truyền thụ kiến thức còn một chiều, thiếu sáng tạo…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Văn Quý cho biết, dù còn một số nhược điểm nhưng mô hình trường học mới VNEN phù hợp và có hiệu quả tại địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Điện Biên sẽ tiếp tục duy trì hệ thống các trường đang thực hiện tốt chương trình VNEN. Bên cạnh đó ngành Giáo dục khắc phục những tồn tại, hạn chế, đưa những yếu tố tích cực vào xây dựng chương trình học mới để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, sao cho giáo dục đạt được mục tiêu phát huy năng lực, phẩm chất người học.
Trong năm học 2019 - 2020, định hướng đến năm học 2023 – 2024, ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên tiếp tục duy trì các hệ thống các trường đang thực hiện tốt mô hình trường học mới VNEN. Đồng thời, ngành phối hợp tốt với chính quyền các địa phương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lớp học, các công trình phụ trợ và cơ sở vật chất theo hướng kiên cố, đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu dạy học theo mô hình trường học mới VNEN đối với một tỉnh đặc thù miền núi như Điện Biên.
Xuân Tư
TTXVN