Đập đầu mối công trình thủy nông Nậm Rốm. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Do đặc thù địa bàn miền núi, các công trình hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên bị chia cắt bởi các dòng suối, nằm ở vùng sâu, vùng xa, vào mùa mưa lũ khi xảy ra sự cố rất khó khăn cho việc ứng cứu. Mùa mưa lũ năm nay, Công ty đã đẩy mạnh việc kiểm tra, rà soát, đánh giá tính ổn định hoạt động của các công trình, nhất là các công trình đầu mối quan trọng và sửa chữa, khắc phục kịp thời những hư hỏng, biểu hiện xuống cấp ở các công trình hồ, đập. Công ty xây dựng phương án phòng, chống lũ phù hợp với tính chất, đặc thù tự nhiên của mỗi hồ đập, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường, gây mất an toàn. Công ty cũng đã thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão, phân công cán bộ, công nhân viên phụ trách các hồ, đập và duy trì chế độ trực 24/24h; đồng thời phối hợp với các lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương để ứng cứu hồ đập, sơ tán dân trong vùng hạ du khi sự cố xảy ra.
Hệ thống cống xả hồ Huổi Phạ. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Bà Nguyễn Thị Hiền, Cụm Phó phụ trách kỹ thuật Cụm thủy nông đầu mối và hồ Huổi Phạ (phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ) cho biết: Hồ Huổi Phạ nằm ở cửa ngõ thành phố Điện Biên Phủ, có diện tích lưu vực hơn 17 km2, dung tích 1,8 triệu m3, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 7 ha diện tích canh tác. Trong mùa mưa lũ năm 2019, đơn vị quản lý cụm thủy nông đầu mối và hồ Huổi Phạ đã lập phương án phòng, chống mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy, nhân lực, vật tư, hậu cần tại chỗ) để ứng phó, xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn cho công trình đập đầu mối, hồ Huổi Phạ và tuyến kênh của công trình đại thủy sông Nậm Rốm. Ngoài chuẩn bị vật tư như cọc, phên tre, đá, cát, rọ thép… đơn vị đã bố trí một máy nổ đảm bảo công tác vận hành cống, đập xả lũ khi nguồn điện lưới mất trên diện rộng.
Công nhân kỹ thuật kiểm tra mực nước tại công trình hồ Huổi Phạ. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Ông Đào Văn Khánh, cán bộ quản lý kỹ thuật hồ Pe Luông (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết: Hồ Pe Luông có diện tích lưu vực hơn 20 km2, dung tích hữu ích hơn 3,2 triệu m3 có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho hơn 260 ha canh tác vùng hạ du. Trong mùa mưa lũ năm 2019, ngoài việc thường xuyên có cán bộ túc trực tại cụm hồ, đập; tổ chức kiểm tra định kỳ, thường xuyên hồ chứa, hiện trạng an toàn đập cho công trình, thực hiện nghiêm quy trình vận hành, điều tiết nước, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, đơn vị cũng thường xuyên nắm tình hình thời tiết để chủ động ứng cứu, bảo vệ an toàn cho công trình.
Công trình hồ Pe Luông. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Các hồ khác như: Hồng Khếnh, Bồ Hóng, Sái Lương, Hồng Sạt, Bản Ban… cũng đã được kiểm tra các hạng mục đập dâng nước, tràn xả lũ, cống lấy nước, cống xả cát; chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu, vật liệu dự phòng trước, trong mùa mưa lũ. Công tác trực, kiểm tra mực nước và thực hiện chế độ báo cáo luôn được đội ngũ cán bộ túc trực thực hiện hàng ngày về Ban lãnh đạo công ty.
Công nhân kỹ thuật kiểm tra hệ thống vận hành công trình hồ Pe Luông. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Riêng 34 km tuyến kênh tả, hữu của công trình Đại thủy nông Nậm Rốm có nhiệm vụ tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh và cấp nước phục vụ dân sinh, nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng trong phòng chống và cắt lũ cho lòng chảo Mường Thanh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn quản lý thủy nông Điện Biên đã có kế hoạch và phương án cụ thể ứng phó với tình hình mưa lũ, đặc biệt là đối với những điểm xả bờ, tháo lũ trên tuyến.
Công nhân kỹ thuật kiểm tra hệ thống vận hành công trình hồ Huổi Phạ. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Theo ông Lê Văn Thi, khó khăn đối với đơn vị trong việc đảm bảo cho chùm hồ, đập “vượt lũ” là hiện nay đường giao thông vào một số hồ, đập không thuận lợi. Khi có sự cố xảy ra, việc tiếp cận, ứng cứu khu vực xảy ra sự cố sẽ không thuận tiện. Bởi vậy, đơn vị đã ký hợp đồng với các đơn vị khác để cùng tham gia, nâng cao hiệu quả phòng chống lụt bão, bảo vệ các công trình hồ, đập, đảm bảo an toàn cho khu vực hạ lưu.
Tuấn Anh- Hải An