Điện Biên khẩn trương lập trạm y tế lưu động tại nơi lũ quét Mường Pồn

Sáng 1/8, trạm y tế lưu động tại nơi xảy ra lũ quét ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, chính thức đi vào hoạt động. Cùng với việc khám, chữa bệnh cho nhân dân, các cán bộ của trạm còn phân công đến từng bản để kiểm tra môi trường, hướng dẫn nhân dân vệ sinh nhà cửa, vật dụng và phun khử khuẩn…

vna_potal_nghia_tinh_noi_vung_lu_muong_pon_dien_bien_7506504.jpg
Các lực lượng tham gia vận chuyển đồ cứu trợ cho người dân vùng lũ. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên cho biết, để chủ động phòng, trị bệnh cho nhân dân bị ảnh hưởng do lũ quét ở xã Mường Pồn, đồng thời chủ động phòng, chống dịch bệnh từ ảnh hưởng môi trường do lũ quét, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương thành lập trạm y tế lưu động tại bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn. Ngay trong ngày 31/7, Trung tâm Y tế huyện đã cử 4 y, bác sĩ cùng 4 cán bộ Trạm Y tế xã Mường Pồn thực hiện khám, chữa bệnh tại trạm y tế lưu động. Địa điểm đặt trạm lưu động là tại nhà của một người dân ở bản Mường Pồn 1.

tramyte3.png
Cán bộ chuyên môn Sở Y tế Điện Biên hướng dẫn cán bộ và nhân dân xã Mường Pồn xử lý nguồn nước bằng Cloramin B. Ảnh: nhandan.vn

Trong sáng 1/8, trạm y tế lưu động đã cử 4 y, bác sĩ về điểm dân cư Huổi Ké, thuộc bản Lĩnh, xã Mường Pồn để khám, điều trị cho hơn chục người dân đang có biểu hiện ốm, sốt. Điểm dân cư Huổi Ké là một trong những điểm bị ảnh hưởng nặng nề do lũ quét, với tổng số 7 gia đình bị thiệt hại nhà ở; hai người bị lũ cuốn trôi (đến nay một người còn mất tích, một người đã tìm được thi thể). Sau lũ, đường về bản Huổi Ké bị sạt lở hoàn toàn, lực lượng chức năng phải đi bộ về Huổi Ké để hỗ trợ người dân lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu.

Trước đó, ngày 31/7, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên Phạm Giang Nam đã kiểm tra công tác đảm bảo y tế, khắc phục sự cố môi trường tại xã Mường Pồn, đặc biệt là các bản bị ảnh hưởng nặng nề do trận lũ quét vào đêm 24, rạng sáng 25/7. Đánh giá các điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị của Trạm Y tế xã Mường Pồn cơ bản đảm bảo khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân sau thiên tai; tuy nhiên với thực trạng giao thông bị chia cắt nhiều đoạn, môi trường sản xuất, chăn nuôi bị xáo trộn do lũ quét nên nguy cơ phát sinh bệnh trên người, gia súc là khó tránh, do vậy lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo thành lập ngay trạm y tế lưu động tại bản Mường Pồn 1.

tramyte.png
Ông Phạm Giang Nam (thứ hai bên trái) Giám đốc Sở Y tế Điện Biên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tại Trạm Y tế xã Mường Pồn. Ảnh: nhandan.vn

Cùng với đó, lãnh đạo Sở Y tế Điện Biên đã trao tặng 5 triệu đồng hỗ trợ Trạm Y tế xã Mường Pồn và 50 triệu đồng cho xã Mường Pồn để cùng chung tay khắc phục thiệt hại sau mưa lũ.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 23 - 31/7 đã gây lũ quét, sạt lở đất trên hầu hết các địa bàn thuộc tỉnh.

tramyte2.png
Cán bộ y tế Điện Biên về từng gia đình ở xã Mường Pồn phun khử khuẩn môi trường sau lũ quét. Ảnh: nhandan.vn

Mưa lũ đã làm 6 người chết, 3 người đang mất tích, 7 người bị thương tại các huyện Điện Biên, Mường Chà, Tủa Chùa; 325 nhà bị thiệt hại, trong đó 21 nhà bị đổ sập, cuốn trôi, 21 nhà bị thiệt hại rất nặng. Bên cạnh đó, gần 300 ha đất sản xuất nông nghiệp bị đất đá vùi lấp, cuốn trôi; 200 con gia súc, trên 1.700 con gia cầm bị cuốn trôi; gần 22 ha diện tích thủy sản bị thiệt hại; 32 tuyến đường tại các huyện: Tủa Chùa, Mường Chà, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Nhé bị thiệt hại; 12 công trình thủy lợi, 8 công trình nước sinh hoạt, 2 trạm y tế… cùng hệ thống thông tin liên lạc bị ảnh hưởng, thiệt hại. Công tác khắc phục giao thông tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ gặp rất nhiều khó khăn do lượng đất đá sạt lở lên đến hàng trăm nghìn m3, nhiều vị trí cầu, cống, nền đường bị hư hỏng…

Ước thiệt hại do mưa lũ gây ra tại tỉnh khoảng 383 tỷ đồng, riêng huyện Điện Biên bị thiệt hại khoảng 350 tỷ đồng.

Trung Kiên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm