Trận lũ quét xảy ra vào rạng sáng 25/7 tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã khiến 2 người thiệt mạng, 5 người mất tích và gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân. Để giúp nhân dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống, những ngày vừa qua, hàng trăm cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ người dân Mường Pồn về lương thực, nhu yếu phẩm sinh hoạt cùng chung tay với bà con khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trận lũ lịch sử
Sau trận lũ bất ngờ trong đêm, bản Mường Pồn 1 tan hoang, chỉ còn bùn đất, cây cối. Trận lũ đã cướp đi của chị Cà Thị Thương 2 người thân yêu nhất của mình là mẹ và em trai. Trận lũ đã đi qua, chị vẫn chưa hết bàng hoàng. “Lũ đi qua, mẹ và em trai của em đã tử vong rồi. Nhà cửa, tài sản cũng đi theo dòng lũ, không còn gì nữa. Em rất thương mẹ và em trai của em, giờ chỉ còn lại em và bố thôi, bố em cũng bị thương”, chị Thương xúc động chia sẻ.
Nhớ lại giây phút kinh hoàng, ông Lò Văn Luyến (bố của Thương) bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn vẫn còn bàng hoàng. Ông Luyến cho biết, vào khoảng 23 giờ ngày 24/7 đến 0 giờ ngày 5/7, trời mưa to nên ông bảo vợ và con dậy để đề phòng lũ. Sau đó trời ngớt mưa, hai mẹ con vào giường ngồi. Đến khoảng 2 giờ, mưa to, lũ quét kèm theo sạt lở đất từ trên đồi đổ ập xuống căn nhà khiến vợ và con của ông thiệt mạng. Ông Luyến lúc đó đang ngồi ngoài hè may mắn thoát chết nhưng cũng bị thương ở đầu.
Hơn 2 ngày trôi qua kể từ trận lũ quét, ông Vì Văn Khiên vẫn lặng người ngóng chờ thông tin người thân. Hai người thân của ông mất tích trong trận lũ quét đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích đang gặp rất nhiều khó khăn do hàng nghìn mét khối đất đá, bùn đất, cây cối từ đỉnh đồi trôi xuống. Xác định chưa tìm được người mất tích thì công tác tìm kiếm vẫn phải tiếp tục, nên dù gặp nhiều khó khăn, bất lợi, lực lượng chức năng vẫn nỗ lực tìm kiếm nạn nhân.
Theo ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, đây là trận lũ lớn chưa từng xảy ra tại khu vực này, lại vào ban đêm nên người dân không kịp ứng phó.
Trận lũ đã khiến 2 người thiệt mạng, 5 người mất tích (đến trưa 27/7 vẫn chưa tìm thấy). Ngoài ra, mưa lũ còn khiến cho 25 nhà bị cuốn trôi, 26 hộ có nhà bị sập đổ hoàn toàn, 104 hộ bị ảnh hưởng; quốc lộ 12 nối Điện Biên – Lai Châu bị tê liệt hoàn toàn.
Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tập trung nhiều lực lượng, máy móc nỗ lực từng giờ để khắc phục hậu quả trận lũ quét. Tại các khu vực xảy ra lũ quét ước tính có khoảng 2.000 người đã tham gia khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn. Trong đó có hơn 800 cán bộ lực lượng vũ trang và gần 1.200 người thuộc các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện và nhân dân trên địa bàn. Ưu tiên hiện nay vẫn là tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích; thông tuyến quốc lộ 12; giúp người dân vùng lũ sớm ổn định đời sống; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng và mất tích. Đồng thời hỗ trợ nhân dân sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn.
Đại tá Lù Minh Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, tinh thần của Công an tỉnh Điện Biên là chưa tìm được người thì chưa về. Với tinh thần đó, Công an tỉnh đang huy động tối đa lực lượng, phương tiện, con người để ưu tiên tìm kiếm các nạn nhân, đồng thời hỗ trợ bà con di dời đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn.
Nghĩa tình nơi vùng lũ
Sau hơn 2 ngày trải qua thiên tai, đời sống của người dân xã Mường Pồn vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thiếu nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt. Với phương châm không để ai bị đói, bị khát, các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm đang chung tay, không quản ngại mưa lũ vận chuyển lương thực, thực phẩm đến cho bà con.
Tại trụ sở UBND xã Mường Pồn, những ngày qua, hàng ngày tấp nập các chuyến xe chở nặng hàng hóa đến hỗ trợ đời sống cho bà con với mong muốn không để ai bị đói, bị khát. Công tác phân bổ hàng hóa đi các điểm bản bị cô lập do mưa lũ được tiến hành khẩn trương, nhanh gọn với sự giúp sức của các lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên và người dân địa phương.
Ông Nguyễn Cầm Châu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Điện Biên cho biết, từ lời kêu gọi của chính quyền huyện Điện Biên, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã quyên góp được gần 600 triệu đồng tiền mặt, nhiều hàng hóa cứu trợ như mỳ tôm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác với tổng trị giá khoảng 500 triệu đồng. Sau khi tiếp nhận, Ban vận động đã rà soát, thống nhất với UBND xã Mường Pồn xác định thôn bản bị ảnh hưởng của thiên tai để ưu tiên trước, nhất là các bản đang bị cô lập, gia đình khó khăn nhất. Quá trình vận chuyển rất khó khăn nhưng các lực lượng đều tìm đủ mọi cách để di chuyển, đưa hàng tiếp nhận đến với bà con với quyết tâm không để bà con bị đói, khát.
Trong sáng 27/7, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đoàn khối các cơ quan trung ương và các cơ sở đoàn trực thuộc khác cũng đã trao tặng cho người dân nơi đây 1 cầu treo dân sinh, 3 căn nhà nhân ái cùng nhiều phần quà khác bằng tiền mặt, nhu yếu phẩm. Tổng trị giá hơn 400 triệu đồng.
Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên Đặng Thành Huy cho biết, ngoài việc giúp người dân khắc phục hậu quả trận lũ quét, Tỉnh đoàn cũng yêu cầu cơ sở đoàn các cấp trong tỉnh tăng cường vận động các nguồn lực xã hội hóa để ủng hộ cho bà con nhân dân xã Mường Pồn mong muốn bà con sớm vượt qua mất mát đau thương, ổn định cuộc sống.
Ngành giao thông vận tải tỉnh Điện Biên đã nỗ lực san gạt đất đá, bùn lầy bị sạt nhằm tạo đường để các đoàn cứu trợ và người dân đi lại thuận tiện. Tuy nhiên việc tiếp cận các điểm bản cô lập như Huổi Ké, bản Lĩnh và các gia đình nằm sâu trong núi bị thiệt hại hại vẫn rất khó khăn. Việc vận chuyển nhu yếu phẩm, nước uống vẫn phải thực hiện hoàn toàn bằng cách đi bộ. Hàng trăm người thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên, dân quân tự vệ, thanh niên, giáo viên tham gia cứu hộ hiện phải thành lập nhiều đoàn băng qua hàng cây số sạt lở, mang vác lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân vùng lũ.
Xuân Tư