Cô đỡ thôn bản kiểm tra và tư vấn chăm sóc thai nhi cho bà mẹ. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN |
Tại xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông, mỗi năm có từ 5 – 7 trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Theo Chủ tịch UBND xã Keo Lôm Vàng Quốc Minh, nguyên nhân xuất phát từ nhận thức của bà con chưa chăm sóc con cái thực sự chu đáo. Người dân trong xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, phụ huynh thường mải mê với công việc làm nương, rẫy từ sáng sớm đến tối khuya. Nhiều trường hợp con ốm nhưng lại không cho uống thuốc hay đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Đến khi con bệnh nặng mới đưa đến cơ sở y tế thì đã quá muộn dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, Keo Lôm vẫn chưa phải là xã có tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi cao nhất trong huyện Điện Biên Đông. Theo số liệu của Trung tâm Y tế huyện, năm 2017, toàn huyện có 90 trẻ dưới 5 tuổi tử vong, trong đó nhiều nhất là các xã: Phì Nhừ (17 trường hợp), Pú Nhi (10 trường hợp); năm 2018, huyện có 88 ca tử vong trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất vẫn là xã Phì Nhừ với 14 trường hợp, xã Háng Lìa 11 trường hợp, xã Phình Giàng 10 trường hợp. Trong 7 tháng năm 2019, toàn huyện có 48 trẻ dưới 5 tuổi tử vong, trong đó nhiều nhất là xã Xa Dung với 10 trường hợp, xã Phì Nhừ 9 trường hợp.
Trong số tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, phần lớn là ở độ tuổi dưới 1 tuổi, như năm 2017 là 67/90 trường hợp; năm 2018 là 74/88 trường hợp; 7 tháng năm 2019 là 38/48 trường hợp. Nguyên nhân tử vong chủ yếu là các bệnh viêm phổi, suy hô hấp cấp.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân nhi tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Thực tế, ở những địa bàn gần trung tâm huyện, điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, nhận thức của người dân cao hơn thì thực trạng trẻ dưới 5 tuổi tử vong cũng được hạn chế ở mức thấp nhất. Như địa bàn thị trấn Điện Biên Đông trong 3 năm trở lại đây không có trường hợp trẻ dưới 5 tuổi tử vong; xã Na Son từ 1 – 2 trẻ tử vong/năm.
Trong khi các xã xa trung tâm, điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn như Phì Nhừ, Phình Giàng, Xa Dung, Háng Lìa luôn chiếm tỷ lệ cao. Như vậy để thấy, những địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khoảng trống trong việc tiếp cận khám chữa bệnh, đội ngũ y tế thôn, bản còn thiếu cả về số lượng lẫn chuyên môn. Sự chênh lệch mức sống giữa các xã vùng sâu, vùng xa với trung tâm, giao thông đi lại khó khăn đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận dịch vụ tiêm chủng của phụ nữ có thai và trẻ em. Thống kê cho thấy trẻ em ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống có nguy cơ tử vong luôn nhiều hơn trẻ em ở những khu vực khác.
Bên cạnh đó, một số phụ nữ khi mang thai không đến cơ sở y tế để được quản lý thai, tiêm chủng đầy đủ. Ở nhiều nơi, người dân đi làm nương còn mang trẻ đi theo trong khi thiếu quần áo, chăn màn để giữ ấm cho trẻ. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn luôn ở mức đáng báo động. Nhiều gia đình đông con nên việc chăm sóc trẻ cũng rất hạn chế.
Bác sĩ hướng dẫn bà mẹ chăm sóc giữ ấm cho trẻ sơ sinh. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN |
Bác sĩ Ly A Nụ. Trưởng Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông) cho biết: Các trường hợp thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông là bệnh về phổi, tiêu hóa. Nhiều trường hợp được đưa đến Trung tâm trong tình trạng suy hô hấp rất nặng. Tuy nhiên, các ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn chủ yếu là tại địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ có 2 trường hợp tử vong tại Trung tâm Y tế huyện là trẻ sơ sinh non tháng nhẹ cân. Đối với các trường hợp tử vong tại nhà chủ yếu do phụ huynh thiếu quan tâm, chăm sóc. Khi phát hiện trẻ bị bệnh, bố mẹ thiếu kiến thức để nhận biết các dấu hiệu bệnh cũng như việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ, nhiều gia đình không đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh, khiến trẻ tử vong ngay tại nhà.
Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông Vàng A Hờ cho biết, UBND huyện rất quan tâm đến tình trạng này và đã đưa ra nhiều giải pháp để cơ quan chức năng và chính quyền các xã thực hiện. Trong đó, đặc biệt là đội ngũ y tế tại xã và thôn bản phải tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chăm sóc trẻ, đưa trẻ đi khám định kỳ; khi trẻ ốm phải đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Các cơ sở y tế đã được trang bị trang thiết bị cũng như đội ngũ cán bộ y tế để điều trị tương đối tốt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn nằm ở nhận thức và phong tục tập quán của người dân địa phương, còn thiếu sự quan tâm đối với con em mình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cũng cho biết, UBND huyện đã giao Trung tâm Y tế huyện thực hiện đề án riêng về giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, có kế hoạch cụ thể cho từng năm, bằng mọi cách phải giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. UBND huyện cũng đã thành lập đoàn kiểm tra trực tiếp kiểm tra hồ sơ trẻ tử vong qua từng năm để xem cách xử lý của cán bộ y tế có phù hợp, qua đó có biện pháp xử lý kịp thời.
Xuân Tư