Âu tàu ở đảo Song Tử Tây (Ảnh: TTXVN) |
Con tàu vỏ thép, dài 26 m, rộng hơn 7m, chiều cao mạn 3,3 m, có công suất gần 900 CV của anh Phan Bá Tầm được đóng mới có tổng vốn đầu tư 18 tỷ đồng được vay từ nguồn vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ - CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ (Nghị định 67) sẽ chính thức trở thành thành viên của Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Giang vào ngày 22/12, chuyên khai thác hải sản xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa truyền thống. Tàu được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như: máy tầm ngư, máy định vị, hệ thống liên lạc, hầm cấp đông, đảm bảo hoạt động dài ngày trên vùng biển khơi xa.
Sở hữu con tàu mới, có công suất lớn, trang thiết bị đi biển hiện đại, anh Phan Bá Tầm chia sẻ, “ngư dân chúng tôi cả đời gắn bó với biển, biển là không gian sinh tồn, còn tàu thuyền được coi như là ngôi nhà di động trên biển của chúng tôi. Tuy vậy, từ trước đến giờ, phần lớn ngư dân chúng tôi vẫn phải ra khơi với những chiếc tàu khai thác hải sản có công suất nhỏ, ngư lưới cụ cũng không hiện đại và các phương tiện đi biển khác cũng không thật sự an toàn. Vì vậy, khi làm ăn trên biển, mọi phán đoán như hướng di chuyển của luồng cá, dự báo thông tin về thời tiết phần lớn được chúng tôi dựa vào kinh nghiệm của mình là chính”.
Anh Phan Bá Tâm khẳng định thêm, cùng với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi theo Nghị định 67 và vốn hỗ trợ từ Qũy hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam nên ngày càng có nhiều hộ và nhóm hộ ngư dân các anh có điều kiện đóng mới được tàu vừa có công suất lớn; được trang bị ngư lưới cụ hiện đại, được trang bị các phương tiện tầm ngư, phương tiện định vị và các thiết bị thông tin liên lạc khác kết nối với gia đình và các cơ quan chức năng. Bởi vậy, việc làm ăn trên biển của bà con chúng tôi chắc chắn sẽ hiệu quả hơn, bền vững hơn và an toàn hơn.
Có phương tiện đi biển hiện đại nên cách nghĩ, cách làm của ngư dân Quảng Nam cũng khác trước. Thay vì đơn độc ra khơi như trước, hiện nay ngư dân tỉnh Quảng Nam ra khơi theo từng tổ đội đoàn kết trên biển hoặc tổ chức thành những tập đoàn chuyên hành nghề dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa truyền thống.
Ngư dân Nguyễn Riện, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam tâm sự, bây giờ mỗi chuyến đi biển của ngư dân thường kéo dài từ 2 tháng trở lên, do đó ngư dân không bao giờ đơn độc ra khơi như trước. Anh em sẽ thành lập các đội tàu thuyền từ 5 chiếc trở lên để có điều kiện hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trên biển trong quá trình làm ăn. Việc tổ chức làm ăn trên biển thành các tổ đội hay các nghiệp đoàn đều có lợi thế là các tàu sẵn sàng và kịp thời chia sẻ cho nhau về ngư trường, kịp thời giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn như lúc bão tố đang kéo đến gần mà tàu thuyền lại bị trục trặc kỹ thuật....”
“Mỗi năm, ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung và ngư dân Quảng Nam nói riêng thực hiện kịp thời hàng chục vụ cứu nạn cứu hộ, lai dắt về nơi neo đậu an toàn hàng chục tàu thuyền và hàng trăm ngư dân thoát khỏi nguy hiểm về tính mạng. Do vậy, việc ra khơi với sức mạnh của cả tập thể tổ đội đoàn kết hay nghiệp đoàn khai thác dài ngày trên biển luôn luôn là lựa chọn của chúng tôi”, anh Nguyễn Riện khẳng định.
Để đóng mỗi con tàu có công suất từ 900 CV trở lên, ngư dân cần khoản kinh phí đầu tư trên 10 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn vượt qua khả năng của không ít hộ và nhóm hộ ngư dân. Chính vì vậy, ngay sau khi Nghị định 67 đi vào cuộc sống, để tiếp thêm nguồn lực cho bà con, UBND tỉnh Quảng Nam đã ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển của địa phương chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam để tiếp nhận, thẩm định, trình Hội đồng quản lý Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam hỗ trợ vốn không tính lãi cho ngư dân.
Theo đó dự kiến cuối năm 2016, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam sẽ giải ngân trên 56 tỷ đồng để cùng với nguồn vốn ngư dân được vay theo Nghị định 67 triển khai đóng mới 92 tàu có công suất lớn được hạ thủy đưa vào khai thác. Trong số các hộ được vay vốn từ Qũy hỗ trợ ngư dân, đã có 4 hộ bám biển hiệu quả bằng tàu mới và trả nợ xong trước hạn.
Là địa phương đi đầu trong việc đưa Nghị định 67 đi vào cuộc sống và là địa phương có số hộ ngư dân được Quỹ hỗ trợ ngư dân hỗ trợ vốn nhiều nhất tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, huyện Núi Thành đã hoàn thành đóng mới 14 con tàu vỏ sắt và vỏ gỗ. Địa phương cũng đã thành lập thêm đội tàu thuyền xa bờ mới để cùng với các tổ đội tàu thuyền đã có tiếp tục vươn khơi bám biển dài ngày.
“Có thể nói, cùng với Nghị định 67, nguồn vốn từ Qũy hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đã kịp thời hỗ trợ cho ngư dân có thêm điều kiện thuận lợi để đóng mới tàu có công suất lớn và trang thiết bị hiện đại đủ sức vươn khơi, bám biển dài ngày, vừa khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, vừa góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ toàn vẹn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Nguyễn Văn Thịnh đánh giá.
Còn theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Chi Cục trưởng Chi cục thủy sản Quảng Nam cho hay, với việc ngư dân tỉnh Quảng Nam có các đội tàu thuyền công suất lớn và trang thiết bị hiện đại ngày càng phát triển mạnh, cơ quan này sẽ tiếp tục thành lập thêm các nghiệp đoàn, các tổ đoàn kết trên biển để bà con nương tựa và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình làm ăn dài ngày trên biển.
Ông Ngô Tấn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam nhấn mạnh, thực hiện tốt việc hỗ trợ nguồn vốn để giúp ngư dân đóng mới và cải hoán tàu công suất lớn không những giúp bà con vươn ra khơi xa để vừa khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, vừa góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác tận diệt nguồn lợi hải sản ven bờ.