Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 28/10 đến 16h ngày 29/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.899 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh; 4.889 ca ghi nhận trong nước (tăng 13 ca so với ngày trước đó) tại 50 tỉnh, thành phố (có 2.305 ca trong cộng đồng).
Cụ thể, các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Thành phố Hồ Chí Minh (977 ca); Bình Dương, Đồng Nai (697 ca); Bạc Liêu (398 ca); An Giang (320 ca); Kiên Giang (249 ca); Tây Ninh (180 ca); Sóc Trăng (151 ca); Cần Thơ (101 ca); Long An (91 ca); Đắk Lắk (90 ca); Tiền Giang (75 ca); Bình Thuận (68 ca); Cà Mau (65 ca); Gia Lai (61 ca); Đồng Tháp, Hà Giang (60 ca); Trà Vinh (59 ca); Phú Thọ (46 ca); Hậu Giang (42 ca); Quảng Nam (38 ca); Vĩnh Long, Hà Nội (37 ca); Bến Tre (34 ca); Quảng Bình (32 ca); Khánh Hòa (30 ca); Nghệ An (25 ca); Bình Phước (20 ca); Bình Định, Thừa Thiên Huế (17 ca); Thanh Hóa (16 ca); Nam Định (14 ca); Hà Nam (13 ca); Bắc Giang, Kon Tum (12 ca); Bắc Ninh, Quảng Ngãi (7 ca); Quảng Ninh, Đắk Nông (6 ca); Thái Bình (4 ca); Phú Yên, Ninh Bình (3 ca); Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương, Lâm Đồng (2 ca); Hưng Yên, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Sơn La (1 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Hà Giang (-124), Thành phố Hồ Chí Minh (-92), Quảng Nam (-91).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó gồm: Bạc Liêu (+398), Kiên Giang (+89), Bình Dương (+79).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 4.110 ca/ngày.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 910.376 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.243 ca nhiễm).
Trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 27/4 đến nay, cả nước ghi nhận 905.558 ca nhiễm mới, trong đó có 813.315 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Thành phố Hồ Chí Minh (430.059), Bình Dương (231.721), Đồng Nai (64.412), Long An (34.632), Tiền Giang (16.199).
Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho thấy, trong ngày 29/10 đã có 2.169 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 816.132 trường hợp.
Hiện đang điều trị cho 2.990 bệnh nhân nặng, trong đó, 1.969 ca thở ô xy qua mặt nạ; 587 ca: 1.969 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 103 ca thở máy không xâm lấn; 312 ca thở máy xâm lấn; 19 ca ECMO.
Tính từ 17h30 ngày 28/10 đến 17h30 ngày 29/10 ghi nhận 56 ca tử vong. Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh (32 ca); Bình Dương (6 ca); Bạc Liêu (5 ca); Đồng Nai (4 ca); Tiền Giang, Sóc Trăng (2 ca); Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Lâm Đồng (1 ca).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 60 ca.
Tổng số tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.966 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 108.197 mẫu xét nghiệm cho 167.733 lượt người. Từ 27/4 đến nay đã thực hiện 22.008.414 mẫu xét nghiệm cho 59.953.593 lượt người.
Trong ngày 29/10 có 1.712.435 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 78.940.403 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 55.578.783 liều, tiêm mũi 2 là 23.361.620 liều.
Hoạt động y tế đáng chú ý trong ngày:
Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em", trong đó có lưu ý rõ trường hợp nào đủ điều kiện tiêm, trường hợp nào trì hoãn, thận trọng... (Quyết định 5002/QĐ- BYT ngày 29/10/2021).
Đoàn công tác của Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã đến Bộ Y tế làm việc; gặp mặt tri ân các lực lượng y tế tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. Ngày 29/10, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến hướng dẫn cho các cán bộ y tế các tuyến triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại 63 tỉnh thành.
Ngày 29/10, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo tuyên truyền nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.
Ngày 28/10, Australia đã giao thêm 800.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam. Với lần giao vaccine thứ ba này, Australia đã hoàn thành cam kết chia sẻ 1,5 triệu liều vaccine AstraZeneca do Australia sản xuất trước khi kết thúc năm 2021.
Ngày 28/10, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh công khai danh sách các cơ sở y tế được cung ứng dịch vụ và giá xét nghiệm COVID-19. Sau 2 ngày triển khai tại 20/21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, đã có 39.756 trẻ được tiêm vaccine phòng COVID-19, riêng quận Gò Vấp triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ ngày 29/10.
Đến ngày 28/10, toàn tỉnh Bình Dương đã tiêm được hơn 3.920.894 liều vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó có hơn 2,3 triệu người tiêm mũi 1. Dự kiến đầu tháng 11, tỉnh sẽ tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.
UBND tỉnh Long An đề xuất Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thống nhất việc chuyển 300.000 liều AstraZeneca cho 3 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp. Tính đến ngày 27/10, Long An có 100% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1; trên 85% được tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19.
PV