Ngày 7/6, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động xét nghiệm trong tình hình mới nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp mắc COVID-19 để thực hiện giám sát, cách ly, điều trị và xử lý dập dịch triệt để.
Theo đó, ngành y tế thành phố tăng cường năng lực lấy mẫu, tổ chức 920 tổ lấy mẫu với công suất 200 mẫu/tổ/buổi. Cụ thể, tại 22 trung tâm y tế Thành phố Thủ Đức và quận, huyện tổ chức 120 tổ (trung bình 5-6 tổ/đơn vị); tại 112 bệnh viện của thành phố, quận, huyện và tư nhân là 700 tổ (trung bình 1 tổ/50 giường bệnh).
Lực lượng sinh viên các trường đại học y khoa trên địa bàn được huy động, tổ chức 100 tổ lấy mẫu. Qua đó, nâng tổng công suất lấy mẫu toàn thành phố là 184.000 mẫu/buổi. Trong các trường hợp khẩn cấp, thành phố cần lấy mẫu xét nghiệm số lượng lớn sẽ huy động luân phiên 60% lực lượng sẵn có thực hiện lấy mẫu với tổng công suất khoảng 110.000 mẫu/buổi.
Căn cứ đánh giá diễn tiến dịch bệnh, mức độ nguy cơ trong cộng đồng theo từng giai đoạn cụ thể, ngành y tế thành phố xác định nhóm trọng tâm, quy mô hoặc tần suất xét nghiệm giám sát phù hợp để phân công, điều phối các đơn vị thực hiện lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm đảm bảo phù hợp năng lực và đạt tiến độ theo yêu cầu chống dịch.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thực hiện kế hoạch trên, thành phố sẽ tổ chức xét nghiệm cho các nhóm đối tượng, bao gồm nhóm phục vụ điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch; xét nghiệm giám sát thường quy; xét nghiệm giám sát nhóm nguy cơ cao trong cộng đồng và các xét nghiệm thường quy khác như các ca bệnh xác định COVID-19 đang trong quá trình điều trị và các trường hợp xuất cảnh đi nước ngoài cần kết quả xét nghiệm.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các bệnh viện và trung tâm y tế trực thuộc Sở, các bệnh viện tư nhân trên địa bàn thành phố bố trí, tổ chức thực hiện các hoạt động trong công tác xét nghiệm COVID-19 theo sự phân công của Sở và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố nhằm bảo đảm đúng hướng dẫn, quy trình, quy định chuyên môn; phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị lấy mẫu, đơn vị xét nghiệm, đơn vị điều phối, đặc biệt là trong quá trình tổ chức xét nghiệm mở rộng với quy mô, số lượng lớn.
Đồng thời, các bệnh viện cần chủ động tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động (lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm) để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trong mọi tình huống; đặc biệt là các bệnh viện hạng 1 của thành phố khẩn trương trang bị hệ thống xét nghiệm RT-PCR đạt mức tối thiểu mỗi 300 giường bệnh có 1 hệ thống.
Cùng với đó, các Viện Pasteur, các bệnh viện bộ, ngành trên địa bàn thành phố đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19 hỗ trợ, tham gia hoạt động nguồn lực tập trung cho công tác chống dịch trong tình huống dịch bệnh lan rộng./.
Thu Hương