Dịch COVID-19: Ngày 2/2/2022, nhiều địa phương số ca mắc COVID-19 giảm mạnh trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần

Dịch COVID-19: Ngày 2/2/2022, nhiều địa phương số ca mắc COVID-19 giảm mạnh trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 1/2 đến 16 giờ ngày 2/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.744 ca mắc mới, trong đó 22 ca nhập cảnh; 8.722 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.289 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 5.057 ca trong cộng đồng).

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 186 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Thành phố Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng, Ninh Bình, Hải Dương (mỗi địa phương 1).

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.295.494 ca mắc, trong đó 2.068.853 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 2.735 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Tính đến ngày 1/2 đã có tổng số 181.581.833 liều vaccine được tiêm, trong đó tiêm mũi 1 là 79.078.859 liều, tiêm mũi 2 là 74.182.311 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 28.320.663 liều.

* Tín hiệu vui ở nhiều địa phương

Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 1/2 đến 18 giờ ngày 2/2/2022, Hà Nội ghi nhận thêm 2.719 ca F0, dẫn đầu cả nước. Bệnh nhân phân bố tại 442 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Nam Từ Liêm có 102 ca; Đông Anh có 97 ca; Long Biên có 93 ca; Thanh Xuân có 87 ca; Đống Đa có 81 ca. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 140.113 ca.

Tính đến hết ngày 1/2, toàn thành phố Hà Nội có 59.832 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly, tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29/4/2021 đến ngày 1/2 là 662 người.

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, thành phố vẫn tích cực triển khai chiến dịch tiêm chủng xuyên Tết. Trong ngày 1/2, toàn thành phố tiêm được 2.434 mũi vaccine, nâng tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là 14.747.595 mũi tiêm. Ngoài ra, thành phố đã tiêm được 245.526 mũi bổ sung và 2.378.886 mũi vaccine nhắc lại.

Trước đó, tại cuộc đi thăm, động viên, chúc Tết các cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện Phổi Trung ương, Trạm Y tế lưu động phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội, trao đổi với lãnh đạo UBND, Sở Y tế Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị phải tiếp tục quán triệt đến người dân đón Tết ấm áp, vui tươi nhưng phải bảo đảm an toàn, hạn chế tụ tập, giao lưu đông người.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dù người mắc nhẹ nhưng số lượng tăng quá nhanh thì vẫn có thể dẫn đến quá tải hệ thống y tế, rất nguy hiểm. Ngành Y tế Hà Nội cần phát huy năng lực, cách làm sáng tạo từ cơ sở để giảm tải, giữ sức cho đội ngũ y bác sĩ, đồng thời nâng cao ý thức, sự chủ động của người dân trong phòng, chống dịch.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, từ ngày 31/1 (29 Tết âm lịch) đến 2/2 (mùng 2 Tết âm lịch), có 624 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh và ra viện, về nhà tiếp tục theo dõi sức khỏe theo quy định. Cụ thể, ngày 31/1, Hải Dương có 362 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh; ngày 1/2 có 95 bệnh nhân khỏi bệnh và ngày 2/2 có 167 bệnh nhân khỏi bệnh.

Theo đánh giá cấp độ dịch của Bộ Y tế tại trang web https://capdodich.yte.gov.vn/map, Hải Dương vẫn là tỉnh ở cấp độ 1 (vùng xanh). Ở cấp độ phường, xã, Hải Dương có 184 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1 (vùng xanh); 44 xã, phường có cấp độ 2 (vùng vàng, gồm thành phố Hải Dương có 1 phường; thành phố Chí Linh có 1 phường, 1 xã; huyện Thanh Hà có 14 xã; huyện Cẩm Giàng có 6 xã; huyện Bình Giang có 6 xã; huyện Tứ Kỳ có 2 xã; huyện Ninh Giang có 9 xã; huyện Thanh Miện có 4 xã); 7 xã ở các huyện Thanh Miện, Bình Giang và Cẩm Giàng hiện có cấp độ 3 (vùng cam).

Ngày đầu Xuân Nhâm Dần 2022, mùng 1 và mùng 2 Tết, tỉnh Đồng Tháp đón nhận tin vui khi tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tiếp tục giảm.

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết, việc số ca mắc, chuyển nặng và tử vong giảm sâu trong những ngày qua đã phát ra tín hiệu lạc quan trong phòng, chống dịch. Qua đó cho thấy hiệu quả của nhiều biện pháp phòng, chống dịch như: Chiến lược tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, công tác điều trị và đặc biệt là chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.

Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đang áp dụng cấp độ 1 (bình thường mới) tại 143/143 xã, phường, thị trấn. "Mặc dù vậy, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, nhất là trước biến chủng mới của SARS-CoV-2, cần tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”, ông Đoàn Tấn Bửu khuyến nghị.

Tín hiệu tích cực trong ngày đầu xuân mới như tiếp thêm niềm tin và động lực cho cả hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục kinh tế trong năm Nhâm Dần 2022 để “Đất Sen hồng vượt sóng vươn xa”.

* Nhiệm vụ phòng, chống dịch vẫn được đặt lên hàng đầu

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Hưng Yên chỉ đạo toàn hệ thống chính trị trong tỉnh sẵn sàng phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất. Trong những ngày Tết, các địa phương kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch, chấn chỉnh toàn diện công tác phòng, chống dịch trên tất cả các tuyến.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động trong mọi tình huống, tuyên truyền cho nhân dân mức độ nguy hiểm, mức độ dịch của địa phương hiện nay để có biện pháp phòng, ngừa hiệu quả; quản lý chặt chẽ, xét nghiệm đối với người tỉnh khác về quê ăn Tết. Không mở cửa, không tổ chức lễ hội tại các di tích, các điểm tham quan, du lịch… Yêu cầu người dân hạn chế đi lại thăm, chúc Tết, trong đó cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện. Đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả các đối tượng thường trú, tạm trú trên địa bàn, đặt mục tiêu trong quý II/2022 cơ bản bao phủ mũi 3.

Trong những ngày Tết, các địa phương, cơ sở y tế bố trí lực lượng ứng trực xử lý tình huống xảy ra, tuyệt đối không để người dân không tiếp cận được với cơ sở y tế. Treo biển cảnh báo tất cả gia đình có F0, F1 quản lý tại nhà, yêu cầu tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát khu cách ly, phong tỏa tránh lây nhiễm chéo. Chuẩn bị dự phòng khu cách ly tập trung ở các địa phương, điều kiện thu dung, điều trị F0 nặng; tuyệt đối bảo đảm an toàn cho lực lượng tuyến đầu và các cơ sở y tế. Các doanh nghiệp sau kỳ nghỉ Tết phải rà soát, lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả công nhân lao động khi bắt đầu làm việc. Gắn trách nhiệm phòng, chống dịch, nhất là công tác xét nghiệm cho công nhân lao động đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cơ quan chuyên môn xây dựng mức độ đánh giá nguy cơ dịch và phương án phòng, chống dịch tương ứng đối với doanh nghiệp để áp dụng đồng bộ.

Hiện các địa phương trong tỉnh vẫn đang duy trì các tổ COVID-19 cộng đồng hoạt động thường xuyên; quản lý chặt chẽ biến động dân cư trên địa bàn, bảo đảm người dân ở các tỉnh, thành phố khác trở về phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh trong vòng 24 giờ, nếu chưa có kết quả xét nghiệm phải ra trạm y tế thực hiện test COVID-19.

Tỉnh Hưng Yên cũng khuyến cáo người dân sau Tết, đối với những người ở tỉnh khác vào địa bàn Hưng Yên phải ở tại nơi lưu trú 3 ngày và phải có kết quả xét nghiệm âm tính tại cơ sở y tế trước khi đi làm. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức cho chủ doanh nghiệp ký cam kết thực hiện phòng, chống dịch trước, trong và sau Tết; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch. Đối với vaccine phòng COVID-19 có đến đâu giao cho các địa phương theo số lượng dân cư, công nhân trên địa bàn và triển khai tiêm ngay.

Chiều tối 2/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam thông báo, 148 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế gắn mã bệnh; trong đó có 25 trường hợp trở về từ các tỉnh, thành phố, 16 trường hợp sàng lọc khi có biểu hiện ho, sốt, mệt mỏi... Kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19, tỉnh Hà Nam hiện có 31 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 2 (màu vàng, nguy cơ trung bình), 3 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ cao); 75 xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp độ 1 (màu xanh, bình thường mới).

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng phối hợp với ngành Y tế triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng; quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh đến, về tỉnh, người về từ vùng dịch, F0 đang điều trị tại nhà theo quy định... nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch lây lan trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng rà soát, củng cố, nâng cao năng lực các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; thực hiện tốt việc phân loại, theo dõi người bệnh, kịp thời chuyển tuyến đối với những trường hợp chuyển biến nặng;thực hiện tốt việc chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 ngay tại cơ sở; hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ điều trị F0 thể nhẹ và F0 không triệu chứng tại nhà đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng quy định. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp thực hiện nghiêm chế độ ứng trực phòng, chống dịch 24/24 giờ; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế theo phương châm "bốn tại chỗ" để đáp ứng kịp thời, hiệu quả với các tình huống bất ngờ phát sinh.

P. V

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm