Dịch COVID-19: Để chương trình “Hộ chiếu vaccine” phát huy hiệu quả

Người lao động từ địa phương khác đến có tạm trú tại thành phố Hạ Long được tiêm cùng đợt. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN
Người lao động từ địa phương khác đến có tạm trú tại thành phố Hạ Long được tiêm cùng đợt. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên được Chính phủ cho phép thực hiện chương trình “Hộ chiếu vaccine” tổ chức đón những chuyến bay quốc tế về Việt Nam dành cho những hành khách đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.

Dịch COVID-19: Để chương trình “Hộ chiếu vaccine” phát huy hiệu quả ảnh 1 Người lao động từ địa phương khác đến có tạm trú tại thành phố Hạ Long được tiêm cùng đợt. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN

Ngày 4/9, Sân bay quốc tế Vân Đồn của Quảng Ninh đã đón chuyến bay đầu tiên thí điểm chương trình này. Chuyến bay mang số hiệu VN5311 chở 297 công dân Việt Nam từ Nhật Bản đã được đón an toàn.

Quy trình an toàn

Toàn bộ hành khách trên chuyến bay phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện: tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chứng nhận).

Sau khi nhập cảnh tại Sân bay Vân Đồn, hành khách di chuyển về Khách sạn Novotel Hạ Long (Quảng Ninh) thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày và 7 ngày sau đó tiếp tục cách ly tại nơi cư trú. Toàn bộ quy trình đón tại sân bay và đưa hành khách về nơi cách ly được thực hiện quy củ, chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho toàn bộ hành khách và các lực lượng phục vụ.

Theo Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện, Sở đang thẩm định phương án và hướng dẫn cách ly nhập cảnh cho các trường hợp nhập cảnh qua Sân bay quốc tế Vân Đồn, có đơn vị đầu mối đón và có đủ giấy tờ được xác nhận của cơ quan ngoại giao nước ngoài trước khi nhập cảnh, chưa áp dụng đối với các chuyến bay giải cứu. Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người nhập cảnh theo chương trình “Hộ chiếu vaccine” được thực hiện 3 lần vào ngày đầu tiên, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 sau khi nhập cảnh.

Giám đốc Sân bay quốc tế Vân Đồn, ông Phạm Ngọc Sáu cho hay, khoảng 100 cán bộ, nhân viên và các lực lượng hải quan, công an, kiểm dịch y tế quốc tế… đã tham gia phục vụ chuyến bay thí điểm ngày 4/9. Với kinh nghiệm đón hàng trăm “chuyến bay giải cứu” trong gần 2 năm qua, Sân bay quốc tế Vân Đồn đã hình thành quy trình đón khách chặt chẽ, tuân thủ mọi quy định phòng dịch, luôn được rút kinh nghiệm, cập nhật và nâng cao cấp độ để thích ứng với những diễn biến mới của dịch bệnh, sẵn sàng ứng biến trong mọi hoàn cảnh cấp bách.

Sân bay áp dụng mức độ cao nhất trong phòng, chống dịch. Sau chuyến bay đều thực hiện phun khử khuẩn các khu vực hành khách di chuyển, nhà vệ sinh và các phương tiện, trang thiết bị phục vụ chuyến bay bằng chất khử trùng chuyên dụng. Sân bay cũng tiến hành vệ sinh mặt sàn, các dụng cụ, vật dụng, điểm tiếp xúc với hành khách bằng chất khử trùng chuyên dụng.

Sân bay Vân Đồn đặc biệt lưu ý khâu xử lý rác thải phát sinh trong quá trình phục vụ chuyến bay. Rác thải có nguy cơ lây nhiễm từ tàu bay và các đơn vị phục vụ phải được thu gom, chứa đựng trong túi màu vàng và lưu trữ trong các thùng rác màu vàng có dán nhãn “Rác thải có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2”. Lượng rác thải này được phun khử khuẩn bằng chất khử trùng chuyên dụng trước khi đóng kín miệng túi và đưa đi xử lý ngay trong ngày.

 “Hộ chiếu vaccine” - giải pháp sống chung với đại dịch

Hai năm qua, dịch COVID-19 kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu và đến hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Nhiều nước trên thế giới đã xác định việc sống chung với đại dịch vì mục tiêu đảm bảo cho cuộc sống người dân và duy trì kinh tế. Một biện pháp đã và đang được triển khai rộng rãi trên toàn cầu chính là sử dụng “Hộ chiếu vaccine” để lưu thông.

Giám đốc Sân bay quốc tế Vân Đồn Phạm Ngọc Sáu cho rằng, yếu tố được đặt lên trên hết là sự an toàn của người dân. Chương trình “Hộ chiếu vaccine” khi áp dụng tại Việt Nam cần được tính toán kỹ lưỡng và thay đổi linh hoạt cho phù hợp với điều kiện của nước ta. Nếu áp dụng đúng cách, tuân thủ các quy định về an toàn, chương trình “Hộ chiếu vaccine” sẽ phát huy tác dụng trong việc khôi phục lưu thông, hồi phục kinh tế, đặc biệt các ngành liên quan đến du lịch. Nếu không, biện pháp này không những không đạt được hiệu quả mong chờ đối với kinh tế mà có thể sẽ tạo làn sóng dịch COVID-19 mới không thể kiểm soát được.

Một số ý kiến chuyên gia khác đánh giá, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, các chủng mới xuất hiện với khả năng lây nhiễm rất nhanh, trong khi đó người tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm nên chương trình “Hộ chiếu vaccine” trước mắt chỉ nên áp dụng trong trường hợp cấp thiết, chỉ nên áp dụng đối với các chuyến bay đón chuyên gia và các trường hợp ngoại giao, không áp dụng với các chuyến bay giải cứu và phải thực hiện nghiêm các quy định về hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Việc tổ chức đón chuyên gia về nước bằng chương trình “Hộ chiếu vaccine” chỉ khi đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu thực sự và phải phối hợp tốt với chính quyền.

Thành phố Móng Cái, nơi có cửa khẩu quốc tế và có nhiều khu công nghiệp nên nhu cầu đi lại của các chủ phương tiện, thương gia cũng như chuyên gia khá lớn. Theo Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái, ông Hồ Quang Huy, Chính phủ nên xem xét mở rộng chương trình “Hộ chiếu vaccine” đối với các cửa khẩu quốc tế. Tuy nhiên, việc mở chương trình này cần có lộ trình cụ thể, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh giữa hai quốc gia ở khu vực cửa khẩu mà có quyết định phù hợp. Trước mắt chỉ nên áp dụng đối với các đối tượng hoạt động thương mại xuất nhập khẩu và chuyên gia. Sau này, sẽ mở dần cho những khách du lịch khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt cả trong nước và quốc tế.

Theo Giám đốc Sân bay quốc tế Vân Đồn Phạm Ngọc Sáu, để chính sách “Hộ chiếu vaccine” phát huy được đúng vai trò, Việt Nam cần đánh giá khách quan, học tập và rút kinh nghiệm triển khai chính sách này tại các nước khác, từ đó rút ra bài học để xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện có thể áp dụng ở Việt Nam. Cần xây dựng phương án kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với những cách thức kiểm soát cụ thể, trong đó cần quy định rõ “Hộ chiếu vaccine” nào được chấp nhận và người dân cần được sàng lọc kiểm tra “Hộ chiếu vaccine” từ điểm khởi hành...

Việc áp dụng chính sách “Hộ chiếu vaccine” cần thực hiện theo giai đoạn. Trước hết, triển khai thí điểm một số tỉnh thành trong “vùng xanh”, rồi triển khai rộng ra cả nước. Nếu hiệu quả sẽ tính tới việc triển khai tới một số quốc gia đang kiểm soát dịch tốt, và dần dần áp dụng cho toàn cầu. Trong quá trình triển khai cần đánh giá, rút kinh nghiệm liên tục và có những biện pháp thay đổi kịp thời với diễn biến thực tế.

Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, ông Phạm Ngọc Thủy bày tỏ mong muốn việc tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam được triển khai mạnh mẽ, nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng chủ động. Có như vậy, chương trình “Hộ chiếu vaccine” mới đạt hiệu quả cao và có thể mở rộng cho các đối tượng là khách du lịch ngay sau khi Việt Nam và các nước kiểm soát được dịch bệnh.

Văn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm