Dịch COVID-19: Cần gỡ khó cho việc lưu thông hàng hóa qua vùng dịch

Người dân mang nhu yếu phẩm đến chốt kiểm dịch để cung cấp cho người thân trong vùng phong tỏa. Ảnh: Văn Đức –TTXVN
Người dân mang nhu yếu phẩm đến chốt kiểm dịch để cung cấp cho người thân trong vùng phong tỏa. Ảnh: Văn Đức –TTXVN

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương như Vân Đồn, Đông Triều của tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa tuyệt đối khiến việc lưu thông của các phương tiện vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Dịch COVID-19: Cần gỡ khó cho việc lưu thông hàng hóa qua vùng dịch ảnh 1Người dân mang nhu yếu phẩm đến chốt kiểm dịch để cung cấp cho người thân trong vùng phong tỏa. Ảnh: Văn Đức –TTXVN

Tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn - địa phương vừa áp dụng biện pháp phong tỏa toàn bộ trưa 30/1, nhiều chốt kiểm soát dịch đã được thành lập ngăn không cho người và phương tiện qua lại.

Sáng 31/1, hàng chục chủ phương tiện, lái xe vận tải đã đến UBND huyện Vân Đồn đề nghị được đăng ký phương tiện với kỳ vọng được lưu thông hàng hóa qua vùng dịch, cũng như đi đến được các địa phương trong tỉnh.

Tuy nhiên, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh cấm các phương tiện ra, vào vùng phong tỏa nên các phương tiện vận chuyển hàng hóa chỉ có thể lưu thông ở các xã ngoài vùng phong tỏa của huyện Vân Đồn, nên chính quyền địa phương chưa thể giải quyết các yêu cầu của người dân.

Thị trấn Cái Rồng đang bị phong tỏa nằm ở trung tâm huyện Vân Đồn, chia cắt hai miền Đông và miền Tây của huyện Vân Đồn. Cũng vì thế, các phương tiện vận chuyển hàng hóa gặp khó không thể đi qua vùng phong tỏa.

Chị Lăng Thị Hương, thôn Tràng Hương, xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn) phản ánh: Trong lúc dịch bệnh căng thẳng, chính quyền địa phương nên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa, nhất là mặt hàng thiết yếu cung cấp lương thực, thực phẩm lưu thông trong tỉnh. Chị Hương cho biết lượng hàng hóa cần lưu thông của gia đình chị lên tới vài chục tấn mỗi ngày, nhưng nay không thể vận chuyển hàng hóa qua các địa phương vùng dịch.

Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn Trương Mạnh Hùng cho hay: Trong quá trình thực hiện biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa, huyện gặp một số vấn đề vướng mắc như: Địa bàn phong tỏa không có tuyến đường thay thế nên việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, hoặc hàng hóa phải chuyển tải nên bị tăng chi phí, ảnh hưởng xấu cho người dân. Trong khi đó, một số địa phương khác kiểm soát rất nghiêm ngặt đối với các phương tiện, nhất là phương tiện đi từ Vân Đồn nên việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu trên địa bàn gặp nhiều bất lợi.

Dịch COVID-19: Cần gỡ khó cho việc lưu thông hàng hóa qua vùng dịch ảnh 2Người dân mang nhu yếu phẩm đến chốt kiểm dịch để cung cấp cho người thân trong vùng phong tỏa. Ảnh: Văn Đức –TTXVN

Phương tiện vận chuyển hàng hóa gặp trở ngại qua vùng dịch khiến hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong vùng dịch bắt đầu trở nên khan hiếm.Theo báo cáo của UBND huyện Vân Đồn, một số mặt hàng lương thực, thực phẩm hiện không đủ cung cấp như: gạo, ngũ cốc, bánh mỳ, thịt, rau... UBND huyện đề nghị UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã trong tỉnh phối hợp hỗ trợ, trực tiếp liên hệ với đại diện của các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn để cung ứng hàng hóa cho nhân dân.

Một nghịch lý là hàng hóa thiết yếu trong vùng dịch thì khan hiếm, song hàng hóa là sản phẩm sản xuất nông nghiệp trong dân lại không thể tiêu thụ được. Được biết, nếu không có dịch COVID-19, bình quân mỗi ngày Vân Đồn có thể tiêu thụ khoảng 400 tấn hàu và 30 tấn ngao. Thêm vào đó, hiện đang là cao điểm tiêu thụ cây đào Tết ở 2 xã Đông Xá và Hạ Long. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát khiến người nuôi trồng thủy sản và trồng đào ở Vân Đồn gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa của mình, bởi phương tiện chở hàng hóa không thể lưu thông qua vùng phong tỏa, hoặc đi qua các địa phương khác. Nguy cơ một cuộc "giải cứu" thủy sản, đào Tết đang hiện hữu.

Khó khăn này cần sớm được tỉnh Quảng Ninh tháo gỡ không chỉ riêng cho huyện Vân Đồn mà còn cho các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội khác trong toàn huyện để hàng hóa dịp Tết được lưu thông, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, cũng là gỡ khó cho người nông dân trong dịp giáp Tết Nguyên đán.

Văn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm