Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chuẩn bị kỹ các điều kiện cách ly 950 công dân Việt Nam trở về từ vùng có dịch. Ảnh :Nguyễn Thị Cúc |
Để ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định về việc công bố dịch nCoV. Thủ tướng đã chỉ đạo, chống dịch như chống giặc. "Mệnh lệnh" của Thủ tướng Chính phủ đang đi vào cuộc sống khi các cấp, ngành địa phương, hệ thống chính trị vào cuộc với mục tiêu duy nhất là khống chế, dập dịch. Nhưng lợi dụng tình thế cam go này, một số cửa hàng vật tư y tế, hiệu thuốc tư nhân tranh thủ nâng giá kiếm lời. Bắt đầu từ một số nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội rục rịch tăng giá, rồi đến bán giá "cắt cổ" 300 nghìn/hộp khẩu trang 50 cái. Những tưởng chuyện đó chỉ xảy ra ở Hà Nội nơi đất chật người đông, ai ngờ tình trạng làm ăn chộp giật, bất nhân ấy đã lan rộng ra các tỉnh thành như: Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương... Trên dòng trạng thái của nhiều Facebooker đều thể hiện quan điểm phẫn nộ đối với những hiệu thuốc trục lợi trên nỗi đau của người khác như vậy. Chưa dừng ở đó, các "con buôn" của chợ thuốc Hapulico lớn nhất Hà Nội đã ra chiêu độc, “kêu gọi” ngừng bán khẩu trang, nước sát khuẩn. Sau một đêm, hầu như các quầy thuốc ở đây đồng loạt treo biển "Hết hàng, đừng hỏi". Trước cổng chợ thuốc này cũng treo biển cấm quay phim, chụp hình. Bản chất của “con buôn” không phải bây giờ mới lộ mặt. Trớ trêu, sự thật ngang trái ấy diễn ra ngay trong xã hội văn minh, như thể thách thức pháp luật. Để chặt đứng hành vi dã man, trục lợi từ dịch bệnh làm giàu trên nỗi đau người khác, Công an Hà Nội đã phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, xử lý một số hiệu thuốc làm ăn bất nhân. Đến ngày 3/2, các đơn vị đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với hơn 100 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, hiệu thuốc và 2 cá nhân bán hàng rong có hành vi bán giá cao, “chặt chém” người dân mua khẩu trang y tế phòng ngừa dịch bệnh nCoV. Cùng với đó, Công an thành phố yêu cầu các cửa hàng y tế và người dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong kinh doanh, buôn bán; cùng chung tay với xã hội trong phòng chống dịch bệnh, phát huy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết của người Việt Nam. Không chỉ xử phạt, Công an Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, sẽ tiến hành xem xét xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh không có văn hóa, trục lợi của một số cửa hàng thuốc trên địa bàn. Trái ngược với những hành vi phi nhân tính, đục nước béo cò của một số "con buôn" thuốc thì ở Hà Nội và nhiều nơi khác trong cả nước xuất hiện hình ảnh người dân, tổ chức phát khẩu trang miễn phí. Đơn cử như Công an Hà Nội phát 75.000 khẩu trang miễn phí cho người dân hay ở Thành phố Hồ Chí Minh có một em nhỏ 11 tuổi đã dành toàn bộ số tiền mừng tuổi Tết Canh Tý của mình là 10 triệu đồng, để mua khẩu trang phát miễn phí cho người đi đường. Còn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội thể hiện trách nhiệm và tình người qua việc tổ chức Chương trình “Chung tay phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra”. Tại chương trình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 100 triệu đồng tiền mặt và trên 10.000 lọ nước rửa tay sát khuẩn, 10.000 khẩu trang của các cá nhân, đơn vị ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cam kết sẽ vận động doanh nghiệp hỗ trợ mỗi hộ nghèo một lọ nước rửa tay sát khuẩn, đảm bảo 100% hộ nghèo trên địa bàn thành phố sẽ được hỗ trợ khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn để phòng dịch, đồng thời trích Quỹ "Vì người nghèo" hỗ trợ mỗi hộ nghèo ít nhất 1 hộp khẩu trang. Ngay sau chương trình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức cấp phát miễn phí khẩu trang 5 địa điểm gồm: Trụ sở cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, ngã tư Tràng Tiền giao Đinh Tiên Hoàng thuộc quận Hoàn Kiếm; bến xe buýt gần chợ Long Biên thuộc quận Ba Đình; đối diện cổng Bệnh viện Thanh Nhàn, xóm "chạy thận" thuộc quận Hai Bà Trưng. Cùng với đó, Tổng Công ty vận tải Hà Nội cũng cho hay đang lên kế hoạch phát khẩu trang miễn phí cho những người sử dụng phương tiện công cộng để hạn chế phát tán, lây nhiễm bệnh nCoV. Trong khi diễn biến dịch bệnh phức tạp, cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc chống dịch thì cũng có nhiều kẻ trêu đùa với "tử thần", thực hiện đăng tin, đưa hình ảnh sai sự thật làm rối loạn tình hình, khiến dư luận hoang mang. Đây cũng là hành vi không có tình người, chỉ vì sự nổi tiếng cá nhân hay thỏa mãn nhu cầu sống ảo mà làm cho xã hội thêm rối ren, gieo rắc nỗi sợ hãi cho nhiều người.
: Đoàn Thanh niên Tổng công ty vận tải Hà Nội phát khẩu trang miễn phí cho hành khách khi đến bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN |
Dịch bệnh đang diễn biến khó lường, không phải ngày một ngày hai mà có thể kéo dài hàng tháng trời. Vì vậy, mỗi người dân nên xác định tâm lý không phải đối phó theo nghĩa bị động mà phải ứng phó theo nghĩa chủ động, linh hoạt bằng cách nâng cao sức khỏe cá nhân và gia đình, giữ vệ sinh nơi công cộng. Đặc biệt, mỗi người dân lúc này cần bình tĩnh không nên tạo ra những nhân họa gây phức tạp tình hình. Vì thực tế, có nhiều người đã thực hiện tích trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ cho gia đình mình và người thân. Song, có ý kiến cho rằng làm như vậy là không cần thiết, bởi lẽ nhân họa sẽ tạo ra khan hiếm, khủng hoảng xã hội sâu sắc, dẫn đến người không có ăn, nhưng sau đó khi mọi việc lắng xuống, lại có một lượng lớn thực phẩm đổ đi vì hết hạn sử dụng. Trong trường hợp quá lo lắng, cũng chỉ nên tích trữ đồ dùng nhu yếu phẩm trong 2 tuần là đủ. Thực phẩm sẽ không thể khan hiếm nếu chúng ta vẫn tiếp tục công việc của mình và cẩn thận trong giao tiếp, bảo vệ sức khỏe. Có ý kiến khuyên nhủ, đừng tạo nên một cơn khủng hoảng dẫn đến chúng ta không bị diệt vì virus mà tự diệt lẫn nhau. Đã có bài học từ động đất tại Nhật Bản cho thấy, cả thế giới phải ngả mũ trước tình người, sự nhẫn nhịn và ý chí của họ. Câu chuyện người chồng Nhật yêu cầu vợ chỉ được mua nửa bình xăng xe ô tô thay vì đổ đầy bình như thường ngày. Vì người chồng cho rằng, làm như vậy là để dành phần xăng còn lại cho những vùng đang khó khăn và bị thiên tai nặng nề hơn. Câu chuyện thẫm đấm tình người ấy cho thấy, tinh thần nhường nhịn, che chở lẫn nhau của người Nhật trong lúc hoạn nạn thật đáng để chúng ta học tập lúc này. Hãy bình tĩnh và đoàn kết mọi chuyện sẽ ổn. Niềm tin ấy không phải không có cơ sở khi đến nay tại Việt Nam đã có tới 3 cơ sở y tế tại: Tp Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Khánh Hòa đã điều trị thành công và cho xuất viện 3 bệnh nhân nhiễm nCoV. Sự kiên trì, chủ động theo sát diễn biến người bệnh, cộng với trí tuệ, tinh thần tận tâm và sáng tạo của các "chiến sĩ áo trắng" Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao. Kịch bản đối phó với dịch bệnh của quốc gia đã được Chính phủ xây dựng, ban hành khẩn trương, trên cơ sở tư vấn , tập hợp ý kiến từ các chuyên gia, các nhà chuyên môn giỏi nhất, cùng với sự điều hành quyết liệt, rốt ráo đã mang lại những hiệu quả bước đầu ngăn không cho dịch lây lan rộng, không để có ca bệnh tử vong. Tin rằng với sự đồng hành, bình tĩnh và đoàn kết, mọi việc sẽ vẫn ổn.
Mạnh Khánh