Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính. Ảnh: Phạm Thanh Tân-TTXVN |
Ngày 8/10, trao đổi với phóng viên về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng lên 14,4% của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch của cơ quan này cho biết: "Dù Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thông qua phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4% nhưng thực sự là chúng tôi chưa thỏa mãn với mức điều chỉnh đó. Mặt khác, trong những ngày vừa qua, chúng tôi được biết Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và một số hiệp hội khác đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 với mức 6 - 7%, vì vậy chúng tôi phải lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của người lao động". Ngày 5/10 vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 thấp nhất cũng bằng mức tăng năm 2015 là 14,4%. Đánh giá về khả năng chi trả của doanh nghiệp với mức tăng lương tối thiểu trên, Tổng Liên đoàn cho rằng: Hiện nay, trong thực tế, doanh nghiệp đã chi trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 20-40%. Qua báo cáo của các cơ quan thuế, tiền lương thực chi cho người lao động đã cao hơn 1,5 lần tiền lương tối thiểu. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính nhấn mạnh: Những thống kê trên cho thấy, đề xuất tăng lương tối thiểu ở mức ít nhất là 14,4% hoàn toàn trong khả năng chi trả của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là phía doanh nghiệp muốn giữ mức tăng lương tối thiểu thấp để giảm mức đóng tiền bảo hiểm cho người lao động chênh lệch sau khi tăng lương tối thiểu. Bởi hiện nay đang tồn tại thực trạng là doanh nghiệp trả lương cho người lao động ở một bảng lương và đóng bảo hiểm ở một bảng lương khác. Bảng lương đưa cho các cơ quan bảo hiểm chỉ ghi mức lương cho người lao động cao hơn một chút so với lương tối thiểu. Trong khi đó, tổng số lương thực lĩnh còn gồm phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Đây là cách nhiều doanh nghiệp lách luật để giảm chi phí đóng bảo hiểm cho người lao động. Luật Bảo hiểm xã hội mới đã có những quy định để khắc phục kẽ hở của pháp luật trong việc đóng bảo hiểm của doanh nghiệp, tuy nhiên việc triển khai điều luật này đã được thống nhất thực hiện có lộ trình. Vì vậy, Tổng Liên đoàn đề nghị điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2016 lên 14,4% cũng là để thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Lao động và thực hiện lộ trình đến 2017 tiền lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu và cũng là bước chuẩn bị cho việc thực hiện Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội vào năm 2018. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết thêm: "Theo tính toán của Tổng Liên đoàn, để thực hiện đúng lộ trình tăng tiền lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động, từ nay đến 2017, mỗi năm phải tăng 12,5 - 13% lương tối thiểu. Đề xuất của người lao động và tổ chức công đoàn chỉ nhằm thực hiện đúng quy định của pháp luật và lộ trình tăng lương tối thiểu".
|
Về những ý kiến cho rằng, do năng suất lao động của nước ta còn thấp, nên mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu cũng phải thấp tương ứng, Tổng Liên đoàn đánh giá những ý kiến như trên là chưa đầy đủ, vì năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp không đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị; sử dụng công nghệ lạc hậu; quản trị doanh nghiệp không hiệu quả, bộ máy nhân sự cồng kềnh dẫn đến năng suất lao động thấp. Yếu tố lao động cũng có vai trò quan trọng để nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, khi tiền lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu sẽ rất khó có thể yêu cầu người lao động làm việc với năng suất cao và chất lượng tốt. Bên cạnh đó, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kinh tế tăng trưởng và phát triển cao hơn nhưng tiền lương tối thiểu điều chỉnh tăng thấp hơn là hoàn toàn không hợp lý và người lao động khó có thể chấp nhận. Theo điều tra của Tổng Liên đoàn, hiện đời sống công nhân lao động còn nhiều khó khăn, có 19,9% người cho biết tiền lương hiện nay không đủ sống; 72% người lao động cho biết phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm mới đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 8 % người lao động có có tích luỹ. Điều này lý giải tại sao có 62% số lao động Việt Nam phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống, và như vậy người lao động sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động văn hóa, học hành, nâng cao trình độ theo tinh thần Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng Giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu 2016 thấp nhất là 14,4% tương đương mức tăng năm 2015 cũng là để động viên công nhân lao động thi đua lao động sản xuất với năng xuất cao, chất lượng tốt, đồng hành cùng doanh nghiệp phấn đấu vượt tiến độ, về trước kế hoạch.