Vượn Cao Vít trong KBT Loài và Sinh cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh, Cao Bằng. Ảnh: moitruong.com.vn |
Giám đốc Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức Lãnh thổ Đinh Văn Hùng cho biết: Đề tài “Điều tra, nghiên cứu, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên làm cơ sở khoa học cho việc mở rộng và nâng hạng cấp quốc gia Khu Bảo tồn loài và sinh vật cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh”, thuộc chương trình khoa học và công nghệ tỉnh Cao Bằng, được giao cho Trung tâm tổ chức thực hiện.
Qua triển khai từ năm 2016 đến đầu năm 2018, với phạm vi nghiên cứu là Khu Bảo tồn-sinh cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh hiện có, khu mở rộng và vùng lân cận, đề tài về cơ bản đã thực hiện thành công, góp phần bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, bảo vệ các loài đặc hữu quý hiếm phục vụ mục đích bảo tồn, nghiên cứu, giáo dục và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Theo ông Lã Quang Trung, đại diện Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), Vượn Cao Vít là một trong những loài Linh trưởng hiếm nhất và cực kỳ nguy cấp trên thế giới. Loài nằm trong danh sách của 25 loài Linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới và đứng thứ 9 khu vực châu Á và là một trong 5 loài nguy cấp tại Việt Nam. Vượn Cao Vít được ghi nhận ở Việt Nam từ năm 1884 và năm 1965 thu được 3 tiêu bản ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Từ đó cho đến năm 2000, loài vượn này được coi là tuyệt chủng do không có bất cứ ghi nhận nào về sự tồn tại của loài.
Mãi đến năm 2002, qua điều tra, khảo sát của FFI, các nhà khoa học đã phát hiện một quần thể với khoảng 26 cá thể còn tồn tại trong khu rừng nhỏ, thuộc 2 xã Phong Nậm và Ngọc Khê thuộc huyện Trùng Khánh ( tỉnh Cao Bằng) giáp biên giới Trung Quốc. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Cao Bằng ra Quyết định số 2536 ngày 15/11/2006 thành lập Khu Bảo tồn và sinh vật cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh, với diện tích gần 1.700ha trên phạm vi các xã Ngọc Khê, Ngọc Côn và Phong Nậm của huyện Trùng Khánh.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng Tháí Hồng Thịnh khẳng định: Số liệu điều tra mới nhất của Tổ chức FFI đã thống kê trong khu vực bảo tồn hiện có khoảng 22 đàn, với 136 cá thể Vượn Cao Vít. Việc gia tăng số lượng đàn và cá thể đã và đang đặt ra yêu cầu mở rộng không gian sống cho loài vượn này. Do đó, việc nghiên cứu đa dạng sinh học tại huyện Trùng Khánh là rất cần thiết. Theo đó, đề tài ““Mở rộng và nâng hạng cấp quốc gia Khu Bảo tồn loài và sinh vật cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh”, do Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức Lãnh thổ chủ trì thực hiện là cơ sở khoa học cần thiết để sớm được mở rộng và nâng cấp Khu Bảo tồn này thành cấp quốc gia.
Tại Hội thảo, nhiều tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học cũng được đưa ra thảo luận. Tiêu biểu như: Hành lang đa dạng sinh học xuyên biên giới Cao Bằng-Quảng Tây; Luận cứ khoa học cho việc đề xuất thành lập Khu Bảo tồn loài-sinh vật cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh; Điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội Khu Bảo tồn sinh cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh; Điều kiện sinh thái và các đặc tính sinh học của loài Vượn Cao Vít Trùng Khánh; Thực trạng quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại huyện Trùng Khánh.
Văn Hào