Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 18 giờ ngày 13/8 đến 18 giờ ngày 14/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.716 ca nhiễm mới, trong đó có 6 ca nhập cảnh và 9.710 ca trong nước.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh số ca mắc vẫn ở mức cao (4.231 ca), tiếp đó Bình Dương (2.029 ca), Đồng Nai (1.023 ca), Long An (653 ca), Tiền Giang (461 ca), Khánh Hòa (164 ca), Cần Thơ (164 ca), Đồng Tháp (118 ca)... Trong số này có 3.510 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Như vậy, trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 560 ca. Tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 700 ca, Bình Dương giảm 787 ca, Đồng Nai tăng 215 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 265.464 ca mắc COVID-19; trong đó có 96.985 bệnh nhân đã được điều trị khỏi; 5.437 ca tử vong. Số bệnh nhân nặng đang được điều trị ICU (hồi sức tích cực) là 579 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang được điều trị ECMO (phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) là 18 ca.
* Thủ tướng phát động đợt thi đua đặc biệt
Sáng 14/8, tại hội nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng, đã phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, đơn vị, tổ chức, cơ quan, đoàn thể, các địa phương, nhân dân cả nước đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm, năng động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ, huy động các nguồn lực xã hội, động viên, khích lệ mọi người dân tự giác, tích cực tham phòng, chống dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng; phát huy sức mạnh toàn dân tham gia chống dịch, thực hiện tốt phương châm “truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm hợp lý, điều trị hiệu quả, chặn đứng nguồn lây”, tăng cường “4 tại chỗ”, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đề cao vai trò, trách nhiệm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, phát hiện, khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm trong công tác phòng, chống dịch.
* Hoàn thành các bước cần thiết để cấp phép có điều kiện vaccine
Chiều 14/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu Y Sinh học, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103 nhằm giải quyết nhanh nhất thủ tục, hoàn thành các bước cần thiết để cấp phép có điều kiện vaccine phòng COVID-19 sớm nhất.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp chỉ đạo rà soát từng khâu, từng bước đối với từng dự án nghiên cứu, thử nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19; bên cạnh đó, xác định các công việc cụ thể cần tiếp tục thúc đẩy, tiến hành gắn với tiến độ thời gian và đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể nhằm giải quyết nhanh nhất các thủ tục, hoàn thành các bước cần thiết để có thể cấp phép có điều kiện vaccine sớm nhất, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch hiện nay; đồng thời chủ động có đủ vaccine cho giai đoạn từ năm 2022.
* Thí điểm kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng
Ngày 14/8, theo thông tin từ Bộ Y tế, chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các ca F0 tại nhà và cộng đồng, được cung cấp thuốc và chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần sẽ được triển khai thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 16/8.
Trên cơ sở trao đổi và thống nhất với Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế và Tập đoàn Vingroup sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0 với mô hình 3 tại chỗ gồm: xét nghiệm tại chỗ, điều trị tại chỗ và an sinh tại chỗ. Thuốc sẽ được sử dụng trong chương trình điều trị tại nhà là Molnupiravir. Đây là một trong những thuốc kháng virus, giúp giảm nhanh nồng độ virus trong cơ thể người nhiễm.
Để đảm bảo việc triển khai chương trình an toàn, hiệu quả, Hội đồng đạo đức y sinh học đã thống nhất triển khai đánh giá tại cơ sở y tế trong thời gian từ ngày 16/8 -22/8 trước khi triển khai thí điểm tại cộng đồng. Những trường hợp F0 được điều trị tại nhà và cộng đồng, thông qua cuộc gọi được lập trình sẽ được lấy phiếu chấp thuận tự nguyện tham gia chương trình (e-consent), được theo dõi hàng ngày việc dùng thuốc, tình trạng sức khỏe và các tác dụng phụ có thể có, bằng cách sử dụng “Nhật ký bệnh nhân điện tử” qua cuộc gọi được lập trình từ hệ thống do Bộ Y tế quản lý. Dựa trên kết quả tổng kết, đánh giá, Bộ Y tế sẽ xem xét để tiếp tục triển khai mở rộng áp dụng chương trình với các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân tại các địa phương khác đang có dịch.
* Khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154
Thông tin từ Bộ Y tế sáng 14/8 cho biết, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng COVID-19 giai đoạn 1 cho 100 tình nguyện viên đến từ Hà Nội vào ngày 15/8/2021. Trước đó, Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học VinBioCare (Tập đoàn Vingroup) đã đàm phán, mua công nghệ vaccine mRNA phòng COVID-19 của Công ty Arcturus Therapeutics, Inc (Hoa Kỳ) và triển khai đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vaccine tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với tên gọi ARCT-154.
Ngày 2/8/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3679/QĐ-BYT phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine ARCT-154 phòng COVID-19.
Nghiên cứu sẽ được thực hiện cả ba giai đoạn (1, 2, 3) ở Việt Nam trên người tình nguyện tham gia nghiên cứu tuổi từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ được khởi động vào ngày 15-16/8/2021 với việc tiến hành tiêm mũi 1 vaccine ARCT-154 cho 100 người tình nguyện khỏe mạnh phân nhóm ngẫu nhiên theo tỉ lệ 3:1 (75% ARCT-154 và 25% giả dược) với mục tiêu chính là đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch.
Người tình nguyện sẽ được tiêm 2 mũi vaccine ARCT-154 hoặc giả dược cách nhau 28 ngày. Các dữ liệu an toàn sau tiêm mũi 1 (ngày 1) đến 7 ngày sau tiêm mũi 2 (ngày 36) sẽ được đánh giá. Nếu dữ liệu này được Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế đánh giá: vaccine ARCT-154 thể hiện tính an toàn, khả năng dung nạp tốt, sẽ xin phép cơ quan quản lý tiến hành sớm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Vaccine phòng COVID 19 ARCT-154 là vaccine được sản xuất theo công nghệ mRNA đầu tiên của Việt Nam do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học VinBioCare thuộc Tập đoàn VinGroup đàm phán nhận chuyển giao công nghệ từ Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Hoa Kỳ. Vaccine ARCT-154 được phát triển theo công nghệ tân tiến nhất hiện nay là saRNA (self-amplifying mRNA – mRNA tự nhân bản). Đây là công nghệ mới, cho phép sử dụng liều vaccine thấp hơn, trong khi kích thích miễn dịch kéo dài hơn, có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Alpha, Beta, Delta, Gamma…
* Hà Nội đã có kết quả tích cực bước đầu trong chống dịch
Trong đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27/4) đến sáng 14/8, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 2.128 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.178 ca được phát hiện ngoài cộng đồng (chiếm khoảng 55% tổng số ca mắc). Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, cố vấn tại Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Hà Nội đang chống dịch rất quyết liệt, đúng hướng. Thời gian qua, Hà Nội đã xét nghiệm miễn phí tất cả trường hợp ho, sốt hoặc có dấu hiệu nghi mắc COVID-19 trong cộng đồng.; mỗi ngày có gần 1.000 người đăng ký; qua đó đã phát hiện ra các ca bệnh, dù không nhiều nhưng ở rải rác khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Thời gian này, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực bước đầu, thể hiện qua sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị của thành phố cũng như sự ủng hộ của người dân. Chuyên gia Trần Đắc Phu khuyến cáo, để bảo vệ kết quả bước đầu này, từ nay đến hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội (6 giờ ngày 23/8), Hà Nội phải hành động quyết liệt hơn nữa. Song song với xét nghiệm, truy vết các ca mắc, Hà Nội cần tiếp tục bảo vệ “vùng xanh” an toàn. Bảo vệ vùng an toàn không có nghĩa là “ngăn sông cấm chợ”, phải bảo vệ từ nếp sống an toàn trong từng xóm ngõ, nhà máy... từ đó, từng phường/xã, quận/huyện an toàn và toàn thành phố sẽ an toàn. Tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp, Hà Nội sẽ kiểm soát được dịch bệnh.
* Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm vaccine được cho gần 3,4 triệu người
Theo Cổng thông tin COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, trong ngày 13/8, thành phố đã tiêm chủng cho 93.993 người, nâng tổng số người được tiêm chủng từ ngày 22/7 đến nay lên 3.399.000 người, tất cả những người tiêm vaccine đều an toàn.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến nay, thành phố tiếp nhận hơn 4,1 triệu liều vaccine từ Bộ Y tế và đến ngày 12/8 đã sử dụng hết. Trong bối cảnh việc tiếp cận các nguồn cung ứng gặp khó khăn, thành phố đang tận dụng nguồn lực hiện có là 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất phân phối về các điểm tiêm cho cộng đồng. Cụ thể, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phân bổ 40.000 liều vaccine Vero Cell cho các quận, huyện tiến hành tiêm chủng cho người dân. Trong ngày 13/8, đã có 17.916 liều vaccine Vero Cell được tiêm và sẽ tiếp tục đẩy mạnh tiêm trong những ngày tới.
Cộng dồn đến nay, thành phố đã tiêm cho hơn 4,3 triệu người, trong đó có 100.000 người đã tiêm đủ 2 mũi. Có 456.391 người mắc bệnh nền và người trên 65 tuổi đã tiêm được vaccine phòng COVID-19, đạt gần 70% mục tiêu chích ngừa cho nhóm đối tượng nguy cơ cao. Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế cung ứng thêm vaccine để tiêm phòng cho cộng đồng.
P. V