Dạy toán online đến với trẻ em dân tộc thiểu số trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Dạy toán online đến với trẻ em dân tộc thiểu số trên Cao nguyên đá Đồng Văn

Với phương pháp tiếp cận mới khơi dậy niềm đam mê, yêu thích môn Toán cho học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dự án phi lợi nhuận “Toán cô Hiền về với trẻ em vùng cao” vừa được huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang phối hợp với Công ty Cổ phần Giáo dục và Đào tạo TCH Hà Nội triển khai trên địa bàn huyện.

Dự án thực hiện dựa trên phần mềm dạy học môn toán với công cụ hỗ trợ là máy tính bảng giúp học sinh tiếp thu bài giảng và làm bài tập, xem lại bài giảng qua video, tham gia các minigame (trò chơi nhỏ) “Toán cô Hiền” để nhận phần thưởng và thực hành kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh định kỳ một cách khách quan, công bằng nhất.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, dự án được triển khai từ ngày 13/9, với thiết kế chương trình nội dung giảng dạy trong vòng 1 năm học, kèm theo tặng máy tính bảng, tai nghe cho 30 em học sinh nghèo, vượt khó. Khi tham gia vào dự án, học sinh sẽ được tiếp cận với phương pháp giảng dạy mới trên cơ sở nắm vững về lý thuyết để đưa các cách giải toán sáng tạo, hiệu quả bám sát nội dung sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục và Đào tạo TCH Hà Nội cho biết, việc dạy online theo phương pháp tiếp cận mới của dự án sẽ dựa trên cơ sở vững chắc về lý thuyết và giải bài tập bám sát vào chất lượng của học sinh, sau đó có những câu hỏi trắc nghiệm để đánh giá lại mức độ tiếp thu kiến thức của học sinh. Quá trình dạy học bám sát với năng lực của học sinh, thầy cô theo đó điều chỉnh phương pháp theo hướng lấy người học làm trung tâm, cho học sinh cảm hứng để học toán với niềm say mê, yêu thích, giúp các em tiến bộ dần qua từng giai đoạn.

Trên tinh thần ứng dụng công nghệ vào giáo dục thông qua hình thức học tập trực tuyến, dự án dạy toán online về với trẻ em vùng cao Hà Giang sẽ giúp các thầy, cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Cán Chu Phìn sớm tiếp cận nhiều hơn với phương pháp giảng dạy trên nền tảng công nghệ số, giúp học sinh tiếp cận môn toán theo góc nhìn mới với phương pháp học tập tiên tiến, khác biệt so với cách giảng dạy truyền thống. Đồng thời, giáo viên được trợ giúp các công cụ hỗ trợ để cùng giám sát, kiểm tra kiến thức và năng lực học của học sinh.

Cô giáo Hoàng Lệ Nhung, Hiệu trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) chia sẻ: “Học sinh của trường 100% là con em người dân tộc H'Mông. Các em rất hiếu học nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn và còn nhút nhát. Qua dự án, hy vọng các thầy, cô giáo sẽ học hỏi được nhiều hơn những kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy mới, thiết thực, bổ ích, giúp học sinh mạnh dạn, tự tin hơn, làm quen với môi trường học tập tiến bộ hơn”.

Chia sẻ về tính khả thi của dự án, ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cho biết, dự án Toán cô Hiền về với trẻ em vùng cao trong bối cảnh ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đang thực hiện công tác chuyển đổi số. Nếu được triển khai hiệu quả, Dự án sẽ tạo điều kiện cho các thầy, cô giáo ở các điểm trường khó khăn giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, làm vơi đi những khó khăn về mặt địa lý, từ đó giúp học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn có thể tiếp cận được những chương trình, nội dung dạy học có chất lượng của nhiều nhà giáo uy tín trong cả nước.

Nhân dịp này, Công ty Cổ phần Giáo dục và Đào tạo TCH Hà Nội cùng các nhà tài trợ đã trao học bổng, quần áo, sách vở và đồ dùng học tập trị giá 420 triệu đồng cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc.

Minh Tâm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm