Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, với mô hình này các bệnh viện có điều kiện tuyển được nhân lực chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, thu nhập cán bộ viên chức được tăng thêm, có điều kiện hợp tác, liên doanh, liên kết với cơ sở y tế tư nhân, vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở mới để chuyển lên mô hình tự chủ tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Về mặt hạn chế của mô hình này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng, đó là trong một thời gian dài (từ năm 2006 đến 2015), giá thu khám chữa bệnh của các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên không được tính vào giá tiền lương nên các bệnh viện chưa đủ điều kiện thực hiện tự chủ toàn phần, nhất là các bệnh viện đa khoa và quận, huyện. Đại diện một số bệnh viện cho rằng, việc giao tự chủ toàn phần còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực đầu tư ban đầu và nguồn nhân lực.
Từ ngày 21/12/2016, Thành phố đã được thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bao gồm cả chi phí tiền lương cho các bệnh viện tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và bệnh viện do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Cơ chế này sẽ giúp một số bệnh viện có điều kiện chuyển lên mô hình tự chủ tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên.
![]() |
Đồng chí Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. Ảnh: Phương Vy - TTXVN. |
Theo ông Đinh La Thăng, ngành y tế thành phố cần tổng kết đánh giá 10 năm triển khai công tác giao quyền tự chủ về tài chính cho các bệnh để rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó kiến nghị tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai.
Gợi mở một số vấn đề liên quan, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu một mô hình tổ chức, quản lý y tế hiện đại để phù hợp với một đô thị đặc biệt. Trước mắt, cần nghiên cứu thí điểm mô hình như quản lý doanh nghiệp tại một số bệnh viện để việc tự chủ của các bệnh viện được đẩy mạnh, nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặt lên hàng đầu chứ không phải vì mục đích lợi nhuận.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng yêu cầu Sở Y tế và các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng y tế, đầu tư trang thiết bị y tế... đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2020, các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản giải quyết tình trạng quá tải, người dân cơ bản hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của các bệnh viện; trở thành một trong những trung tâm trung tâm y tế chuyên sâu, dịch vụ chất lượng cao của của khu vực phía Nam và cả nước, ngang tầm hệ thống y tế của các nước trong khu vực. Đồng thời phát triển ngành y tế trở thành ngành dịch vụ chất lượng cao, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội bền vững./.