Từ nguồn vốn phân bổ của Trung ương và địa phương, Ninh Thuận đang tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) và xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) nhằm khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và từng bước nâng cao đời sống nhân dân khu vực trước đây quy hoạch các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 31/8/2018 của Chính phủ về "thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023", xã Vĩnh Hải (nơi được quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2) được Trung ương phân bổ 175 tỷ đồng triển khai 4 dự án thành phần. Các dự án đang được đẩy nhanh tiến độ thi công gồm: Xây mới kè chắn sóng và lũ thôn Thái An; xây 3 tuyến đường kết nối khu sản xuất; nâng cấp tỉnh lộ 702 cũ; nâng cấp ao Bầu Tró và hệ thống dẫn nước từ suối Hố Quạt.
Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phân bổ gần 55 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện 8 dự án khác gồm: Nâng cấp, sửa chữa, xây mới trường học các cấp, sửa chữa nhà cộng đồng, xây dựng hệ thống thoát nước, đường giao thông và các công trình thủy lợi. Hiện nay, các dự án đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, lập lán trại và thi công, tiến độ thực hiện các dự án trong hai năm 2024 - 2025.
Ông Nguyễn Đức Định, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ninh Hải (đại diện chủ đầu tư) cho biết, ao Bầu Tró khi hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 400.000 m3 nước cho vùng sản xuất nho trọng điểm Thái An. Các công trình khác như kè chắn sóng, chắn lũ sẽ góp phần chống sạt lở trong khu vực. Các tuyến đường được nâng cấp, đầu tư xây dựng sẽ đảm bảo lưu thông vận chuyển hàng hóa, an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ. Ban Quản lý dự án, đơn vị thi công quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực để hoàn thành 4 dự án thành phần này trong năm 2024.
Bà Lê Thị Phượng (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải) chia sẻ, nhà bà canh tác hơn 1,5 sào nho (trên 1.500 m2). Khi Nhà nước thu hồi đất để làm kè chắn lũ, gia đình chấp hành bàn giao một phần mặt bằng để đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng. “Khi chưa đầu tư bờ kè thì mùa mưa lũ về thường gây thiệt hại; nay được đầu tư tuyến kè kiên cố sẽ không còn nỗi lo nước lũ tràn vào vườn nho. Các công trình thủy lợi, đường giao thông được đầu tư xây dựng, mở rộng tạo thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất khiến mọi người rất vui mừng”, bà Phượng cho biết.
Xã Phước Dinh (nơi quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1) triển khai 6 dự án thành phần. Trong đó, 2 dự án với tổng mức đầu tư 121 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương, bao gồm: Dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường quốc phòng cũ (đường 701) với chiều dài hơn 3,7 km; xây dựng mới 3 tuyến đường kết nối đường 701 với đường ven biển. Các dự án này đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Ngoài ra, tỉnh còn dành 72 tỷ đồng từ ngân sách địa phương triển khai 4 dự án khác bao gồm: Nâng cấp đường nội thôn tại các thôn Từ Thiện và Vĩnh Trường; xây dựng hệ thống mương thoát nước; xây dựng kè chắn lũ và chắn sóng; đầu tư xây dựng mới trường mẫu giáo Phước Dinh. Hiện, các dự án đang được gấp rút hoàn thiện thủ tục để sớm khởi công.
Trong đợt kiểm tra thực tế mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nhấn mạnh, đây là những dự án quan trọng được Quốc hội và Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho địa phương nhằm khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và từng bước nâng cao đời sống nhân dân khu vực trước đây quy hoạch thực hiện các dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Các dự án sau khi hoàn thành góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống cứu hộ, cứu nạn và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh.
UBND tỉnh đề nghị, chủ đầu tư, các đơn vị thi công lập kế hoạch chi tiết, tập trung nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành tất cả dự án theo quy định. UBND các huyện tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng để triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới cho địa phương.
Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có diện tích 440 ha, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 có diện tích 380 ha với tổng công suất 4.000 MW được Quốc hội thông qua năm 2009. Đến tháng 11/2016, Quốc hội quyết định dừng dự án. Sau nhiều năm dừng dự án, đến tháng 7/2023, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có thông báo về việc hủy các thông báo thu hồi đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Đồng thời, tỉnh triển khai Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch thực hiện hai dự án nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn.
Nguyễn Thành