Du khách tham quan lăng Khải Định. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN) |
Kế hoạch này được chia thành 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn từ 2016-2020 đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng; giai đoạn 2020-2030 đầu tư khoảng 7.600 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, xây dựng Huế thành một đô thị xanh, phát triển bền vững đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên đặc biệt là trùng tu khu kinh thành, điểm di tích, điểm đặc trưng thu hút du lịch của Huế.
Đây là mô hình phát triển mới, phù hợp với đặc điểm riêng có của thành phố Huế, là mục tiêu xuyên suốt của kế hoạch hành động thành phố xanh Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.
Ngoài một số dự án đã được bố trí nguồn vốn để triển khai giai đoạn 2016-2020, Thừa Thiên-Huế tập trung huy động vốn từ các nguồn bao gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA vận động từ các nhà tài trợ đa phương như ADB, WB, OFID hoặc từ nhà tài trợ song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hungary…
Tỉnh có kế hoạch huy động nguồn vốn tập trung cho dự án hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong và ngoài khu vực thành phố Huế; vốn trái phiếu Chính phủ, vốn trái phiếu do tỉnh Thừa Thiên-Huế phát hành theo quy định của Chính phủ; đồng thời kêu gọi vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, tập trung dự án hạ tầng có khả năng thu hồi vốn như cấp nước, y tế, giáo dục, xử lý môi trường hoặc lĩnh vực dịch vụ khác.
Các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn này là cải thiện môi trường đô thị, thu gom và xử lý nước mưa, nước thải sinh hoạt cho bờ Bắc, nhất là khu vực kinh thành Huế và vùng đệm; cải tạo ao hồ, kênh rạch; xây dựng bãi chôn lấp rác tại Hương Bình; phát triển hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng; cải thiện công tác giám sát chất lượng nước trên toàn thành phố.
Tỉnh ưu tiên mở rộng tính đa dạng của các hoạt động du lịch, bao gồm du lịch văn hóa và sinh thái; xác định khu vực chiến lược của kinh thành-bên ngoài Hoàng thành mà có thể tái xây dựng để nâng cao trải nghiệm du lịch; xây dựng chợ thủ công mỹ nghệ mới ở phường Thủy Xuân; mở rộng "Huế về đêm" cung cấp dịch vụ chợ đêm và biểu diễn văn hóa; phát triển các phương án giao thông cộng cộng và giao thông phi cơ giới trong khu vực kinh thành.
Thành phố Huế xây dựng thêm các trung tâm đa năng tại khu An Vân Dương, nằm ở phía Đông Nam của trung tâm thành phố để có thể mở rộng cấu trúc đô thị và phát triển ngành dịch vụ.
Tỉnh xây dựng thêm các bãi đỗ xe ngoại vi kết nối với mạng lưới giao thông công cộng; xây dựng các tuyến đường mới nhằm tăng cường kết nối đến điểm du lịch và mở các huyện xanh mới; khuyến khích sử dụng xe đạp trong trung tâm thành phố và phát triển tuyến xe tàu điện.
Hiện tại, Công ty Akitek Tenggara (Singapore) đã ký văn bản hợp tác quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế từ 2016-2020 và tầm nhìn đến 2025. Trên cơ sở đó, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh sẽ lập thiết kế sơ bộ cho 10 dự án trọng điểm có tính chất đột phá trong sự phát triển của tỉnh để kêu gọi đầu tư, đồng thời vận động, thu hút từ 5 đến 10 nhà đầu tư chính nhằm đảm trách các dự án này.
Cũng trên cơ sở này, đề án quy hoạch phải đạt được tiêu chuẩn cao, hiện đại; trong đó, xây dựng Huế thành đô thị xanh và điểm đến du lịch mang tầm thế giới, tạo bước đột phá cho ngành du lịch của Thừa Thiên-Huế.../.