Hàng chục năm qua, từ khi ngày lập bản, trải qua nhiều đời định cư bên dòng suối Nậm Núa, người Lào tại hai bản Pa Xa Lào và Pa Thơm đã có nghề dệt thổ cẩm truyền thống, đây là nguồn thu nhập thêm cho các hộ gia đình, góp phần ổn định kinh tế. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong vấn đề đầu ra cho sản phẩm, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cộng đồng dân tộc Lào nơi đây không phát triển và khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Sau hành trình vượt hàng chục km đường dốc, uốn lượn quanh co dọc chiều dài dòng suối Nậm Núa, chúng tôi cũng chạm được “cửa ngõ” vào thung lũng xã Pa Thơm với tứ bề là núi và đá. Điều chúng tôi dễ dàng nhận ra là bản Pa Xa Lào của đồng bào dân tộc Lào hiện ra với nhiều dãy nhà truyền thống xây dựng song song. Thế mạnh của bản Pa Xa Lào so với các bản khác trên địa bàn là trồng lúa nước, nuôi cá, kinh doanh và đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Đi sâu vào trung tâm bản, chúng tôi cảm nhận rõ âm thanh rộn rã, hoạt náo của tiếng thoi đưa. Đi tới đâu chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp cảnh các bà, các mẹ, các chị người Lào bên khung dệt đặt ngoài hiên nhà, đầu hồi đang miệt mài, chăm chú công việc… Bắt mắt nhất là màu sắc sặc sỡ của những tấm vải thổ cẩm được các chị, các mẹ hong phơi dọc hai bên đường.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pa Thơm Vì Thị Xôm cho biết: Phụ nữ dân tộc Lào vốn có nghề dệt vải thổ cẩm đã được truyền nối qua nhiều thế hệ. Nghề dệt nơi đây được coi là nét văn hóa độc đáo bởi mỗi nét hoa văn thổ cẩm là một nét tinh hoa văn hóa dân gian đã được chọn lọc và gìn giữ qua nhiều đời. Khoảng hơn 10 năm về trước, vì sự độc đáo và mang đậm nét văn hóa dân gian của dân tộc Lào, bản làng Pa Xa Lào được xem là một trong những điểm du lịch văn hóa của huyện Điện Biên. Tuy nhiên, do những khó khăn, thách thức về điều kiện đường sá, cơ sở lưu trú nên tiềm năng du lịch cộng đồng ở đây không phát triển được; nghề nuôi tằm, dệt vải cũng trầm lắng, mai một khi thị trường tiêu thụ sản phẩm dần thu hẹp và dẫn đến tình trạng tự cung tự cấp là chính. Mọi nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc vực dậy nghề dệt truyền thống, tìm đầu ra cho sản phẩm cũng chỉ dừng lại ở mức độ tiêu thụ nhỏ lẻ.
Hiện tại ở hai bản Pa Xa Lào và Pa Thơm, phần lớn các gia đình đều có khung dệt, nghề dệt thổ cẩm truyền thống nơi đây vẫn được gìn giữ, bảo tồn nhưng hoạt động cầm chừng. Các chị em chủ yếu tìm đến khung dệt khi có thời gian rỗi.
Chị Lò Thị Say, bản Pa Xa Lào cho biết: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cộng đồng dân tộc Lào ở địa phương đã có từ lâu và được bảo tồn, gìn giữ, phát triển đến ngày nay. Hiện nay, các hộ đều có khung cửi dệt vải thổ cẩm để phục vụ trong gia đình và bán ra ngoài. Vì khó tiêu thụ nên người dân ở đây cũng không tập trung dệt vải, trung bình một tháng cũng dệt được vài tấm, kích cỡ khác nhau, nếu bán ra thị trường thu nhập khoảng một triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Lào ở xã biên giới Pa Thơm khó có thể phát triển để vươn xa, ông Lò Văn Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Pa Thơm cho biết: Trước đây, khi cuộc sống chủ yếu tự cung tự cấp, bó hẹp trong thung lũng và do nhu cầu sử dụng của người dân trên địa bàn nên nghề dệt phát triển. Ngày nay, do thị trường có nhiều sản phẩm thổ cẩm may công nghiệp có giá rẻ hơn nên thổ cẩm Pa Xa Lào không thể cạnh tranh được. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ chú trọng tìm hướng giải quyết đầu ra cho sản phẩm, từng bước khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Cũng theo ông Lò Văn Hoàn, những năm tới, khi các cấp chính quyền quan tâm đến việc khai thác, phát huy tiềm năng du lịch của di tích cấp quốc gia hang động Pa Thơm, lượng du khách về đây tăng lên, sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Lào nơi đây sẽ có cơ hội theo chân du khách trong và ngoài tỉnh “vươn” ra thị trường.
Sau hành trình vượt hàng chục km đường dốc, uốn lượn quanh co dọc chiều dài dòng suối Nậm Núa, chúng tôi cũng chạm được “cửa ngõ” vào thung lũng xã Pa Thơm với tứ bề là núi và đá. Điều chúng tôi dễ dàng nhận ra là bản Pa Xa Lào của đồng bào dân tộc Lào hiện ra với nhiều dãy nhà truyền thống xây dựng song song. Thế mạnh của bản Pa Xa Lào so với các bản khác trên địa bàn là trồng lúa nước, nuôi cá, kinh doanh và đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Đi sâu vào trung tâm bản, chúng tôi cảm nhận rõ âm thanh rộn rã, hoạt náo của tiếng thoi đưa. Đi tới đâu chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp cảnh các bà, các mẹ, các chị người Lào bên khung dệt đặt ngoài hiên nhà, đầu hồi đang miệt mài, chăm chú công việc… Bắt mắt nhất là màu sắc sặc sỡ của những tấm vải thổ cẩm được các chị, các mẹ hong phơi dọc hai bên đường.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Pa Thơm Vì Thị Xôm cho biết: Phụ nữ dân tộc Lào vốn có nghề dệt vải thổ cẩm đã được truyền nối qua nhiều thế hệ. Nghề dệt nơi đây được coi là nét văn hóa độc đáo bởi mỗi nét hoa văn thổ cẩm là một nét tinh hoa văn hóa dân gian đã được chọn lọc và gìn giữ qua nhiều đời. Khoảng hơn 10 năm về trước, vì sự độc đáo và mang đậm nét văn hóa dân gian của dân tộc Lào, bản làng Pa Xa Lào được xem là một trong những điểm du lịch văn hóa của huyện Điện Biên. Tuy nhiên, do những khó khăn, thách thức về điều kiện đường sá, cơ sở lưu trú nên tiềm năng du lịch cộng đồng ở đây không phát triển được; nghề nuôi tằm, dệt vải cũng trầm lắng, mai một khi thị trường tiêu thụ sản phẩm dần thu hẹp và dẫn đến tình trạng tự cung tự cấp là chính. Mọi nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc vực dậy nghề dệt truyền thống, tìm đầu ra cho sản phẩm cũng chỉ dừng lại ở mức độ tiêu thụ nhỏ lẻ.
Hiện tại ở hai bản Pa Xa Lào và Pa Thơm, phần lớn các gia đình đều có khung dệt, nghề dệt thổ cẩm truyền thống nơi đây vẫn được gìn giữ, bảo tồn nhưng hoạt động cầm chừng. Các chị em chủ yếu tìm đến khung dệt khi có thời gian rỗi.
Chị Lò Thị Say, bản Pa Xa Lào cho biết: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cộng đồng dân tộc Lào ở địa phương đã có từ lâu và được bảo tồn, gìn giữ, phát triển đến ngày nay. Hiện nay, các hộ đều có khung cửi dệt vải thổ cẩm để phục vụ trong gia đình và bán ra ngoài. Vì khó tiêu thụ nên người dân ở đây cũng không tập trung dệt vải, trung bình một tháng cũng dệt được vài tấm, kích cỡ khác nhau, nếu bán ra thị trường thu nhập khoảng một triệu đồng.
Lý giải nguyên nhân nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Lào ở xã biên giới Pa Thơm khó có thể phát triển để vươn xa, ông Lò Văn Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Pa Thơm cho biết: Trước đây, khi cuộc sống chủ yếu tự cung tự cấp, bó hẹp trong thung lũng và do nhu cầu sử dụng của người dân trên địa bàn nên nghề dệt phát triển. Ngày nay, do thị trường có nhiều sản phẩm thổ cẩm may công nghiệp có giá rẻ hơn nên thổ cẩm Pa Xa Lào không thể cạnh tranh được. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ chú trọng tìm hướng giải quyết đầu ra cho sản phẩm, từng bước khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Cũng theo ông Lò Văn Hoàn, những năm tới, khi các cấp chính quyền quan tâm đến việc khai thác, phát huy tiềm năng du lịch của di tích cấp quốc gia hang động Pa Thơm, lượng du khách về đây tăng lên, sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Lào nơi đây sẽ có cơ hội theo chân du khách trong và ngoài tỉnh “vươn” ra thị trường.
Hải An