Đường trục giao thông chính trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN |
Những ngày tháng 3 lịch sử, quê hương núi Ấn sông Trà như khoác lên mình “tấm áo mới” trẻ trung, năng động khi phố phường ngập tràn cờ hoa. Một vài góc đường của thành phố Quảng Ngãi vẫn vẹn nguyên những chứng tích còn sót lại của thời chiến, như nhắc nhở mỗi người dân nơi đây về niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Ông Lê Hoàn - một người dân Quảng Ngãi bày tỏ mong muốn lớn nhất của những người lính năm xưa là quê hương sớm được giải phóng. Giải phóng rồi, người dân phải có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Và điều đó đã trở thành hiện thực.
Nông dân chăm sóc diện tích trồng dưa hấu tại bãi bồi ven sông Trà Khúc thuộc địa bàn huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Ảnh: Sỹ Thắng – TTXVN |
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Quảng Ngãi cho hay, từ một thị xã nhỏ bé, thành phố Quảng Ngãi đã vươn mình trở thành trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh khi được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, được Chính phủ công nhận là thành phố vào năm 2005 và tiếp đến là đô thị loại 2. Từ chỗ chỉ có 8 phường và 2 xã, đến nay, thành phố Quảng Ngãi có 23 đơn vị hành chính cấp xã, phường. Thành phố đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại 2 và phấn đấu đạt thêm một số tiêu chí của đô thị loại 1; phấn đấu tới năm 2030 hoặc 2035 sẽ được công nhận đô thị loại 1. Điều đó có được là nhờ vào sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, khéo léo của Đảng bộ, chính quyền và sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân.
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Phước Ngọc – TTXVN |
Sau 45 năm, tỉnh Quảng Ngãi đã ghi dấu ấn của mình khi liên tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thật sự góp phần thay đổi diện mạo vùng quê, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Hệ thống giáo dục ngày càng hoàn thiện; cơ sở vật chất từng bước đầu tư khang trang; đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng chuẩn hóa về trình độ. Chất lượng y tế từng bước nâng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Khu tái định cư xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm – TTXVN |
Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) có tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, công suất thiết kế 6,5 triệu tấn sản phẩm/năm, đáp ứng 1/3 nhu cầu trong nước. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Nâng cấp, sửa chữa cầu cảng đảo Bé thuộc xã đảo An Bình, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân và khách du lịch, thông thương hàng hóa và phát triển kinh tế - xã hội cho xã đảo. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN |
Cảng Dung Quất đạt sản lượng lớn về quy mô và lượt tàu ra vào trong cả nước, chỉ sau cảng Sài Gòn, Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh và đứng đầu khu vực miền Trung. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư đồng bộ, tạo thuận lợi cho giao thương, đi lại. Công tác xóa đói giảm nghèo được chú trọng; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn hơn 7%. Thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm và vượt mức 33 triệu đồng/người vào năm 2018. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 67 triệu đồng /người, tương đương 2.868 USD/người…
Thu hoạch hành tím - đặc sản nổi tiếng của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Phước Ngọc – TTXVN |
Quảng Ngãi đã, đang và sẽ có thêm những bước tiến dài trong tương lai. Mỗi người con Quảng Ngãi luôn mang trong mình sự kỳ vọng lớn lao về một Quảng Ngãi phát triển vượt bậc, hội nhập sâu rộng dựa trên nền tảng truyền thống cách mạng bất diệt vốn có và sự đoàn kết, tự lực tự cường đáng trân trọng.
Vĩnh Trọng