Huyện Kbang (Gia Lai) không chỉ là vùng căn cứ cách mạng, nơi khởi nguồn của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, nơi sinh ra người anh hùng Núp huyền thoại mà còn là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, “cái nôi” của nền văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là dân tộc Bahnar…
Một ngày đầu thu, chúng tôi đến làng Chiêng ở thị trấn Kbang, nơi có 50 hộ với khoảng 220 người Bahnar sinh sống. Trong làng, những mái nhà sàn truyền thống, những bộ cồng chiêng vẫn trường tồn với thời gian. Những cô gái trong làng vẫn giữ được nghề dệt thổ cẩm, những chàng trai vẫn biết đan lát, chế tác các loại nhạc cụ dân tộc như đàn goong, t’rưng, k’ni, klông put.
Nhận thấy tiềm năng du lịch từ những nét văn hóa đặc sắc còn được gìn giữ, chính quyền địa phương đã mở các lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng cho bà con trong làng. Chị Đinh Thị Cúc ở làng Chiêng, thị trấn Kbang cho biết, sau khi được đào tạo kiến thức về du lịch cộng đồng, bà con đã biết phân chia khu vực phục vụ dịch vụ ăn uống, lưu trú. Những dịch vụ du lịch này đã tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong làng, ai nấy đều vui vẻ, hăng say làm du lịch.
Huyện Kbang hiện có 4 làng phát triển du lịch cộng đồng gồm: Làng Chiêng, làng Mơ Hra-Đáp, làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng) và làng Stơr (xã Tơ Tung) với các hoạt động phục dựng lễ hội truyền thống, trình diễn cồng chiêng, kể sử thi; trải nghiệm dệt thổ cẩm, chế biến các món ăn hấp dẫn của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Anh Đinh A Ngưi, chủ Homestay A Ngưi Kbang tại làng Kgiang chia sẻ: "Với phương châm 'Lấy di sản nuôi di sản, cộng đồng cùng hưởng lợi', tôi đã xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân trong làng". Hiện tại, hoạt động của Homestay A Ngưi Kbang đã đi vào ổn định, hàng năm thu hút khoảng 2.000 lượt khách đến lưu trú, tham quan, trải nghiệm.
Năm 2022, huyện Kbang ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. Đề án đã và đang khai thác các giá trị di sản văn hóa trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kbang cho biết, huyện Kbang sẽ tiếp tục lồng ghép việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Bên cạnh đó, việc phục dựng các lễ hội truyền thống của dân tộc Bahnar, đưa diễn xướng cồng chiêng vào sinh hoạt cộng đồng và các sự kiện văn hóa địa phương cũng sẽ được chú trọng, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Hồng Điệp