Vườn ươm dược liệu đã sưu tầm, nhân giống thành công nhiều loài quý, hiếm, có giá trị y học rất cao. Ảnh: Internet |
Người có công “khai sơn, phá thạch” cho cả vùng dược liệu nguyên thủy này là bác sĩ Hoàng Sầm, người dân tộc Dao, sinh ra trong gia đình có tới 13 đời làm nghề thuốc Nam ở xã Bản Péo, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Từ nhiều thế kỷ trước, các cụ trong dòng họ của ông đã sử dụng thuốc Nam chữa bệnh cho người dân trong vùng. Nghiệp gia truyền đã cho ông niềm đam mê nghiên cứu dược liệu ngay từ khi còn là sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, trở thành bác sĩ, giảng viên, bác sĩ chuyên khoa I, ông vẫn đau đáu với những cây thuốc quê nhà. Năm 2008, bác sĩ Hoàng Sầm xin nghỉ việc ở Trường đại học Y Dược Thái Nguyên. Sau đó, ông vận động một số nhà khoa học khác cùng thành lập Viện Y học bản địa Việt Nam, có trụ sở tại TP Thái Nguyên. Từ những đồng vốn nhỏ nhoi, sau gần chục năm, Viện Y học bản địa Việt Nam đã trở thành một tổ chức nghiên cứu và kinh doanh sản phẩm khoa học công nghệ với gần 50 đề tài khoa học. Hiện nay, số vốn đã tăng lên khoảng 150 lần. Năm 2016, Viện thành lập Công ty TNHH Y học bản địa Việt Nam, với số vốn hơn 100 tỷ đồng để thực hiện Dự án Phát triển nông thôn bền vững vùng Tả Phìn Hồ từ cây dược liệu và cây chè bản địa. Anh Lý Văn Châu, là người Dao tại xóm 3, thôn Phìn Hồ, huyện Bắc Quang cho biết, từ ngày có dự án, gia đình anh có đến bốn người tham gia. Riêng xóm 3, có 23 trong số 34 hộ dân tộc Dao tham gia, với tổng cộng 25 người. Anh Châu nhớ lại: Khi triển khai dự án, Tả Phìn Hồ còn là vùng đất hoang sơ. Con đường duy nhất nối liền với các khu vực khác lầy lội bùn đất xen lẫn những mỏm đá gập ghềnh, chưa có hệ thống đường, điện, không có sóng điện thoại. Ngoài đi bộ, cách nhanh nhất để lên được Tả Phìn Hồ là đi xe máy từ xã Nậm Ty trên con đường mòn rộng chưa đầy 1 m xuyên qua rừng vầu. Vì vậy, ban lãnh đạo Công ty đã huy động toàn bộ cán bộ nhân viên chi nhánh, cùng các hộ dân địa phương gấp rút thi công con đường bê-tông rộng 3,5 m, dày 25 cm, được đắp lề đủ để hai xe máy tránh nhau khi vào, ra vùng dự án. Ngoài con đường bê-tông dài 7 km nối liền vùng dự án với xã Nậm Ty, còn có đường điện ba pha phục vụ sinh hoạt và lao động sản xuất; có trạm phát sóng di động và đường truyền in-tơ-nét bằng cáp quang kết nối đầy đủ, kịp thời với mọi khu vực trong nước và thế giới. Cơ sở hạ tầng đã có, cuối năm 2016 ban lãnh đạo Dự án đã huy động tất cả công nhân viên, thuê khoán người dân trong vùng trồng được một vùng thảo quả rộng khoảng 70 ha. Để trồng và phát triển dược liệu, công ty đã xây dựng một vườn ươm rộng 1.450 m2, nhân giống được gần 200 loài cây thuốc quý để đưa trồng trả lại rừng. Tới tháng 10-2016, Công ty đã trồng được một vùng thảo quả rộng lớn với diện tích khoảng 70 ha. Đầu năm 2017, công nhân viên Công ty đã trồng được hơn 3.000 cây sa mộc, 250 cây sưa đỏ, hơn 1.000 cây đào, hoàng đàn và nhiều loài cây cảnh khác… Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Y học bản địa Việt Nam Tả Phìn Hồ Đặng Huy Thành cho biết, ngoài 30 cán bộ khoa học và chuyên gia, còn có 50 người dân địa phương trực tiếp lao động sản xuất trong các vườn và dây chuyền sản xuất, với mức lương cơ bản hằng tháng từ 3,8 triệu đến 4,5 triệu đồng. Ngoài ra, người lao động còn được bao ăn ba bữa. Công ty đang thi công xây dựng nhà máy chế biến sâu dược liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế GMP-HS để sản xuất chín sản phẩm mang thương hiệu Hà Giang từ nguồn dược liệu tại chỗ và các nơi khác trong tỉnh, tạo điều kiện cho những người dân Dao, Mông nghèo khó trong khu vực có thêm việc làm, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Theo nhandan.com.vn