Đắk Nông: Quyết liệt, sáng tạo trong thu hồi vũ khí, vật liệu nổ

Huyện Đắk Glong là địa phương đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông, với gần 60% dân số là người dân tộc thiểu số. Do tập tục, thói quen, nhiều người vẫn cất giữ và sử dụng súng săn, súng tự chế để săn bắn mưu sinh, bảo vệ mùa màng. Từ đó đã xảy ra một số vụ tai nạn thương tâm, cướp đi sinh mạng của không ít người.

img_5345.-vu-khi-2(1).jpg
Người dân huyện Đắk Song và TP. Gia Nghĩa tự nguyện giao nộp súng tự chế cho lực lượng công an. Ảnh: baodaknong.vn

Xác định tầm quan trọng của công tác quản lý, vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, thời gian qua, Công an huyện Đắk Glong đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ và Công an cấp xã phối hợp với Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Đắk Nông) triển khai đồng bộ các biện pháp, cách làm phù hợp với đặc điểm tình hình địa bàn. Lực lượng Công an các cấp vừa tuyên truyền, vận động thuyết phục, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các trường hợp tích cực, chủ động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đồng thời tổ chức giáo dục, răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, giữ gìn sự bình yên ở mỗi bon làng.

Anh Giàng Seo Sì, trú xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong cho biết, sau khi được các chiến sĩ Công an tuyên truyền, anh và gia đình đã nhận thức được việc cất giữ, sử dụng súng tự chế là rất nguy hiểm nên đã mang súng đến giao nộp cho cơ quan Công an, tránh những hiểm họa xảy ra, vừa nguy hiểm cho bản thân, gia đình và những người xung quanh, vừa dễ đặt bản thân vào tình trạng vi phạm pháp luật.

“Sau khi được lực lượng Công an tuyên truyền, chúng tôi biết được việc sử dụng vũ khí tự chế để săn bắn rất nguy hiểm, đã có người chết do súng săn gây ra, pháp luật nghiêm cấm sử dụng súng dưới mọi hình thức nên hôm nay tôi nộp lại cho Công an để tránh hậu quả xấu xảy ra”, anh Tráng A Hạ, cùng trú tại xã Đắk R’Măng chia sẻ.

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Công an huyện Đắk Glong, với những cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế tại địa phương, lực lượng Công an huyện Đắk Glong đã và đang triển khai có hiệu quả việc quản lý, vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Công an huyện Đắk Glong đã vận động người dân giao nộp gần 50 súng tự chế...

Trên phạm vi toàn tỉnh, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Đắk Nông) đã phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương rà soát, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm. Lực lượng Công an lập danh sách các cá nhân có biểu hiện nghi vấn tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, nhất là ở các địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự để kiểm tra, phân loại và kịp thời phát hiện, xử lý.

Đầu tháng 5 vừa qua, Công an tỉnh Đắk Nông đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh gửi thư kêu gọi toàn dân thực hiện cuộc vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; phát huy tốt vai trò của người có uy tín, chức sắc tôn giáo để vận động các hộ dân ký cam kết không mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí nguy hiểm này.

Theo Thượng tá Đình Thanh Tùng, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh Đắk Nông), năm 2023, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tổ chức 120 buổi tuyên truyền tập trung với gần 16.000 lượt người tham gia; vận động cá biệt hơn 6.500 lượt đối tượng và tổ chức cho gần 23.000 người dân ký cam kết không mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Qua đó, người dân đã tự giác giao nộp 5 súng quân dụng, hơn 500 khẩu súng tự chế, hơn 1.400 viên đạn, 5 lựu đạn, bom, mìn... Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Công an toàn tỉnh đã vận động người dân giao nộp 244 súng tự chế, 3 bom, mìn, gần 250 viên đạn...

Cũng theo Thượng tá Đình Thanh Tùng, để xóa bỏ tình trạng người dân sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép trên địa bàn, công tác tuyên truyền vận động phải được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và việc làm thường xuyên. Lực lượng Công an các cấp, nhất là Công an xã, phường, thị trấn phải thực hiện tốt phương châm “Đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, kêu gọi người dân tích cực phát hiện, tham gia tố giác, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng về hành vi chế tạo, sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật…

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm