Đắk Nông duy trì thành quả và nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng

Việc duy trì thành quả và nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng đang là một ưu tiên của ngành y tế Đắk Nông trong năm 2024. Nhất là trong bối cảnh nhiều mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2023 không đạt và hiện tỉnh vẫn còn thiếu hơn 20.000 liều vắc xin cho chương trình này.

03.jpg
Nhân viên y tế cấp thuốc và giám sát việc uống thuốc phòng bệnh bạch hầu

Chạy “nước rút” để đạt các chỉ tiêu

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã được phân bổ 11 lần vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng bao gồm các loại vắc xin: Viêm gan B, Lao, DPT-VGB-Hib (phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib), bại liệt (OPV, IPV), Sởi, Sởi-Rubella, DPT (phòng 3 bệnh truyền nhiễm: Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván hấp phụ), Viêm não Nhật Bản, và Uốn ván.

Toàn bộ lượng vắc xin được phân bổ được sử dụng để triển khai các chương trình, bao gồm: Tiêm chủng mở rộng cho đối tượng theo quy định trong năm 2024; Tiêm bù mũi các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng cho đối tượng năm 2023 còn thiếu; Tiêm bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học; và tiêm bổ sung vắc xin uốn ván cho đối tượng phụ nữ có thai và nữ tuổi sinh đẻ vùng nguy cơ cao.

01.jpg
Y tế cơ sở của tỉnh Đắk Nông triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng

Tuy nhiên việc cung ứng vắc xin trong năm 2024 vẫn bị gián đoạn. Trong đó, vắc xin IPV thiếu từ tháng 11/2023 đến tháng 4/2024 mới được cung ứng trở lại. Vắc xin uốn ván thiếu trong thời gian từ các tháng 12/2023 - 1/2024 và 7/2024, đến tháng 8/2024 mới được cung ứng trở lại và cơ bản đảm bảo đầy đủ cho nhu cầu sử dụng từ nay đến hết năm 2024. Vắc xin DPT-VGB-Hib cũng bị thiếu từ tháng 12/2023 - 6/2024, phải đến tháng 7/2024 trở đi mới đảm bảo số lượng (bao gồm tiêm bù cho đối tượng năm 2023).

Nhìn chung, đến ngày 28/10 vừa qua, tức chỉ còn 2 tháng là hết năm 2024, 8/10 loại vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng đã được cung ứng đầy đủ, đảm bảo cho nhu cầu triển khai sử dụng tiêm cho các đối tượng trên địa bàn toàn tỉnh năm 2024. Tuy nhiên, toàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn 2/10 vắc xin hiện đang thiếu là vắc xin DPT và vắc xin Viêm não Nhật Bản. Trong đó, vắc xin DPT thiếu 10.500 liều và Vắc xin Viêm não Nhật Bản thiếu khoảng 10.000 liều.

Để đảm bảo hiệu quả tiêm chủng tốt nhất và đạt được các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2024, ngành y tế Đắk Nông đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Y tế cung ứng đầy đủ vắc xin DPT và Viêm não Nhật Bản. Đồng thời triển khai duy trì tiêm chủng các loại vắc xin đã có đủ, chỉ đạo các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn quản lý các đối tượng chưa được tiêm trong thời gian thiếu vắc xin để sẵn sàng triển khai tiêm bù, tiêm vét ngay khi được cung ứng vắc xin trở lại. Đồng thời tuyên truyền, tư vấn người dân có điều kiện đi tiêm chủng tại các phòng tiêm dịch vụ.

Cũng theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Nông, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi theo quy mô xã, phường, thị trấn trong 9 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt gần 70% (không đạt tiến độ yêu cầu 71,3%/9 tháng) và thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu giao năm 2024 là ≥ 95%.

Tương tự, trong 9 tháng đầu năm, tổng số phụ nữ có thai được tiêm đủ mũi vắc xin uốn ván (UV2 +) trên toàn tỉnh gần 7.200, chỉ đạt 66,4% đối tượng cần tiêm, trong khi tiến độ yêu cầu cần đạt trong thời gian này là 67,5 %.

Duy trì và nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng

Trong báo cáo gửi Bộ Y tế vào tháng 7/2024, UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, thời gian qua, công tác tiêm chủng mở rộng tại tỉnh được triển khai đồng bộ, toàn diện, rộng khắp tại 71/71 xã, phường, thị trấn. Hiện, trên 95% trẻ được tiêm phòng bệnh lao; 80% được tiêm chủng vắc xin phòng viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh; tỷ lệ tiêm chủng vắc xin bại liệt đạt chỉ tiêu giao; 100% trẻ sinh trong năm được cập nhật đầy đủ lên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia…

02.jpg
Đắk Nông là địa phương còn nhiều khó khăn, nhiều nơi trong tỉnh vẫn là địa điểm lý tưởng của dân di cư không theo quy hoạch từ các tỉnh phía Bắc

Trong năm 2023, ngành y tế đã tổ chức 1 lớp tập huân nâng cao năng lực chuyên môn chương trình tiêm chủng mở rộng cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã tại 8 huyện, thành phố; 1 lớp tập huấn về an toàn tiêm chủng cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện; kiểm tra, giám sát hỗ trợ tuyến huyện, tuyến xã 8 đợt trong tiêm chủng mở rộng, 3 đợt giám sát hoạt động tiêm vắc xin phòng uốn ván cho phụ nữ có thai, hỗ trợ 1 đợt tiêm chủng ngoại trạm vùng có nguy cơ cao tại xã Đắk Ngo, huyện biên giới Tuy Đức.

Nhìn chung, công tác tiêm chủng trong ác năm qua đảm bảo an toàn theo đúng quy định của Bộ Y tế, không ghi nhận các trường hợp tai biến nặng sau tiêm.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng tại nhiều thời điểm, nhiều địa phương còn gặp khó khăn do thiếu nhiều loại vắc xin. Nguyên nhân chính là do gián đoạn nguồn cung từ Bộ Y tế; nhận thức của một bộ phận người dân về tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin, nhất là đồng bào dân tộc người Mông, dân tộc thiểu số về tiêm chủng vẫn còn thấp, nhiều bà mẹ còn e ngại phản ứng phụ sau tiêm vắc xin, sợ trẻ ốm, sốt sau tiêm nên không đưa trẻ đi tiêm chủng; tỷ lệ sinh con tại nhà của một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh vẫn còn cao và dẫn tới việc chăm sóc y tế cũng như tiêm các loại vắc xin đúng, đủ rất khó khăn.

Để duy trì thành quả và nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Y tế tăng cường công tác kiểm soát, vận động phụ nữ có thai, người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đủ liều. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với ngành y tế triển khai công tác tiêm chủng tại trường học. Giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024 tại địa phương, huy động các nguồn lực, hỗ trợ ngành y tế triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả tiêm chủng mở rộng trên địa bàn quản lý.

04.jpg
Cán bộ y tế gõ cửa từng nhà để hỗ trợ người dân

Thêm nữa, Đắk Nông là địa phương có diện tích rộng, điều kiện đi lại khó khăn. Nhiều thôn, buôn, bản, bon ở vùng sâu vùng xa rất khó khăn trong tiếp cận tiêm chủng. Mạng lưới cộng tác viên y tế thôn bản giảm sút nhiều năm nay, trong khi tình trạng di dân và biến động dân cư do đồng bào từ các tỉnh phía Bắc di dân vào địa phương khiến dân cư rải rác và việc tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, trong đó có tiêm vắc xin rất khó khăn.

Để duy trì các thành quả của chương trình tiêm chủng mở rộng và nâng cao chất lượng công tác tiêm chủng, đảm bảo sức khỏe người dân, UBND tỉnh Đắk Nông vừa chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan phối hợp với Viện Kiểm định vắc xin quốc gia và sinh phẩm y tế về kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến đảm bảo chất lượng vắc xin, sinh phẩm y tế tại tuyến tỉnh, huyện, xã và các cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên toàn tỉnh.

Tổ chức rà soát, huy động nguồn lực đầu tư mới, tiếp nhận, thay thế các tủ lạnh đã hư hỏng, xuống cấp, đảm bảo 100% cơ sở tiêm chủng mở rộng có hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin an toàn. Tăng cường giám sát các bệnh có vắc xin tiêm chủng mở rộng, tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, theo dõi phản ứng sâu tiêm chủng và kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm chủng. Tỉnh cũng giao Sở Y tế chủ động rà soát, tổng hợp nhu cầu vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn tỉnh, tổng hợp các loại vắc xin còn thiếu để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, bổ sung kịp thời.

Trong năm 2023, tỷ lệ tiêm chủng nhiều loại vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không đạt chỉ tiêu. Điển hình như vắc xin sởi – rubella; vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván… Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông được tổ chức vào cuối tháng 7/2024, bà Phạm Thị Phượng, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) cho biết vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn huyện chỉ đáp ứng được 40 – 50% nhu cầu thực tế, trong đó, thiếu nghiêm trọng nhất là vắc xin 5 trong 1. Trong khi Tuy Đức là huyện biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội, đi lại rất khó khăn và người dân địa phương phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vắc xin từ chương trình này./.

Hưng Thịnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm