Đắk Lắk và Tuyên Quang kết nối tiêu thụ hàng hoá

Ngày 16/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hoá giữa hai địa phương.

vna_potal_hoi_nghi_ket_noi_cung_-_cau_hang_hoa_giua_dak_lak_va_tuyen_quang_7325916.jpg
Các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã của hai tỉnh Đắk Lắk và Tuyên Quang ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Lưu Văn Khôi cho biết: Hội nghị không chỉ hỗ trợ hai địa phương tiêu thụ sản phẩm, còn xây dựng chuỗi cung ứng, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, bổ sung nguồn hàng bình ổn thị trường, đưa đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng.

Thông qua hội nghị, các doanh nghiệp, đơn vị sẽ quảng bá hình ảnh, sản phẩm địa phương, có thêm địa chỉ xanh, những đối tác đáng tin cậy trong sản xuất và kinh doanh, mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi về các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng cường kết nối giao thương, kết nối cung cầu giữa 2 địa phương trong thời gian tới.

Về phía Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang, Giám đốc Hoàng Anh Cương cho hay, tỉnh Đắk Lắk có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với diện tích rộng 627.000 ha, sản phẩm đa dạng. Nhiều sản phẩm chủ lực và có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, các loại hạt...

vna_potal_hoi_nghi_ket_noi_cung_-_cau_hang_hoa_giua_dak_lak_va_tuyen_quang__7325925.jpg
Đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm chè xuất khẩu của tỉnh Tuyên Quang bên lề hội nghị. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Các sản phẩm nông nghiệp không chỉ nâng cao đời sống cho nhân dân, còn quảng bá hình ảnh của Đắk Lắk, trở thành đại sứ nông nghiệp và du lịch của địa phương. Trong khi đó, tỉnh Tuyên Quang có 248 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao trở lên, với những sản phẩm có thể mạnh như thảo dược, dược liệu; sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ; cam sành; chè xuất khẩu; điện sinh khối.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, hội nghị lần này không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai địa phương tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, gặp gỡ, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm mà còn tạo điều kiện để ngành công thương, doanh nghiệp, hợp tác xã học hỏi, trao đổi cách làm hay, sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thúc đẩy sự phối hợp giữa hay địa phương ngày càng tốt hơn.

vna_potal_hoi_nghi_ket_noi_cung_-_cau_hang_hoa_giua_dak_lak_va_tuyen_quang_7325917.jpg
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang Hoàng Anh Cương phát biểu. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Theo các đại biểu, hội nghị có ý nghĩa quan trọng, là dịp để có được nguồn hàng đặc sản, đặc trưng, tiêu biểu, có chất lượng của các địa phương, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân; tạo điều kiện cho việc từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo kênh tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam một cách ổn định, bền vững.

Dịp này, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh của hai tỉnh đã ký kết 8 cặp biên bản ghi nhớ về thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm