Đoạn đê qua xã Quảng Điền, huyện Krông Ana bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Kỳ vọng lớn
Trước năm 2014, người dân huyện Krông Ana chỉ sản xuất một vụ lúa/năm do đến mùa mưa nước sông Krông Ana dâng cao tràn vào làm ngập đồng ruộng. Sản xuất một vụ/năm đồng nghĩa với thu nhập thấp, đời sống người dân khó khăn.
Từ thực tế trên, năm 2009, tỉnh Đắk Lắk phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình chống sạt lở hệ thống đê bao Quảng Điền, với tổng chiều dài 42,6 km đi qua các xã Bình Hòa, Dur Kmăl, Quảng Điền, thị trấn Buôn Trấp huyện Krông Ana và một phần đi qua huyện Lắk. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, do Ủy ban nhân dân huyện Krông Ana làm chủ đầu tư, có chức năng ngăn lũ tiểu mãn, bảo vệ trên 2.000 ha lúa nước. Năm 2014, công trình được đưa vào sử dụng toàn tuyến, người dân địa phương hào hứng canh tác hai vụ lúa/năm.
Ông Kiều Xuân Hùng, thôn 2, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana cho biết, từ khi chuyển sang canh tác hai vụ lúa/năm, bà con rất phấn khởi vì giảm được thời gian nông nhàn, nhiều hộ từng bước vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Văn Thiềng, Bí thư Đảng ủy xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana cho biết, trước đây, khi chưa có đê bao Quảng Điền chạy qua xã, người dân chỉ canh tác được một vụ lúa/năm, đời sống bấp bênh. Từ khi có trên 10 km đê bao Quảng Điền chạy qua xã, nông dân chuyển sang canh tác hai vụ/năm, nâng cao năng suất, sản lượng lúa, góp phần cải thiện đời sống. Chính quyền và người dân đều kỳ vọng việc khai thác tuyến đê sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển ổn định cây trồng chủ lực của địa phương.
Cần sớm sửa chữa những đoạn đê bị xuống cấp
Có thể khẳng định, tuyến đê bao Quảng Điền đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội huyện Krông Ana. Tuy nhiên, tuyến đê này đưa vào sử dụng chưa lâu đã xuống cấp khiến người dân rất lo lắng.
Người dân xã Quảng Điền phải dùng bao cát đắp hàng km để ngăn nước sông tràn qua đê. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Ông Kiều Xuân Hùng, thôn 2, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana cho biết, hiện nay, nhiều đoạn trên tuyến đê xuất hiện tình trạng sụt lún, sạt lở nặng khiến nước sông tràn vào đồng ruộng. Cũng theo ông Hùng, những năm trước đã xảy ra tình trạng nước sông tràn qua đê gây ngập cánh đồng lúa. Đến năm 2019, tình trạng này trở nên trầm trọng hơn, điển hình trong đợt mưa lũ tháng 8/2019, sự cố vỡ một đoạn đê đầu nguồn và nước tràn qua nhiều điểm trên tuyến đê đã gây ngập hơn 1.000 ha lúa sắp đến kỳ thu hoạch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quảng Điền Lê Văn Kiên cho biết, tuyến đê bao Quảng Điền qua địa bàn xã với 24 km. Từ khi có tuyến đê này, người dân đã chuyển sang canh tác hai vụ lúa/năm, đời sống kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng và chịu tác động của thời tiết, đoạn đê bao qua xã Quảng Điền đã xuống cấp trầm trọng, xuất hiện nhiều điểm sụt lún, rạn nứt, nước sông rò rỉ vào đồng ruộng khiến nguy cơ vỡ đê luôn thường trực vào mùa mưa lũ. Chính quyền địa phương đã kiến nghị các cấp, các ngành sớm có kế hoạch, tổ chức nâng cấp, sửa chữa những đoạn đê bị hư hỏng nhằm đảm bảo sản xuất cho người dân.
Bí thư Đảng ủy xã Dur Kmăl Nguyễn Văn Thiềng bày tỏ lo lắng trước thực tế tuyến đê bao bị xuống cấp, hư hỏng nặng đe dọa đến sinh kế của người dân. Chính quyền địa phương và nhân dân luôn theo dõi và chuẩn bị các phương án ứng phó với mọi trường hợp xấu có thể xảy ra. Tuy nhiên, trước diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai, các cấp, ngành cần sớm có phương án khắc phục những hạn chế của tuyến đê để nhân dân yên tâm sản xuất, ông Nguyễn Văn Thiềng đề nghị.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Krông Ana, từ năm 2015 đến nay, tuyến đê bao Quảng Điền bị tác động do mưa lũ, trong đó vào tháng 8/2019 lần đầu tiên một đoạn đê đầu nguồn bị vỡ. Đặc biệt, các đoạn đê bị hư hỏng vào các năm trước chưa kịp khắc phục, sửa chữa,năm sau lại xuất hiện thêm những đoạn xuống cấp khác. Từ năm 2016 - 2018, được sự hỗ trợ của tỉnh Đắk Lắk, huyện Krông Ana đã tiến hành sửa chữa những đoạn hư hỏng nặng. Tuy nhiên, toàn tuyến vẫn còn nhiều điểm sạt lở, xung yếu cần sớm được nâng cấp, sửa chữa.
Đoạn đê qua xã Quảng Điền, huyện Krông Ana bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Theo ông Nguyễn Minh Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Ana, đê bao Quảng Điền có vai trò quan trọng để duy trì sản xuất hai vụ của hàng ngàn ha lúa trong toàn huyện. Năm 2014, tuyến đê được đưa vào sử dụng đã làm tăng đáng kể năng suất, sản lượng lúa của toàn huyện, đưa Krông Ana trở thành một trong những vựa lúa lớn của tỉnh Đắk Lắk. Chính vì vậy, tình trạng sụt lún, hư hỏng trên tuyến đê bao Quảng Điền sẽ làm ảnh hưởng lớn đến việc canh tác lúa của nhân dân trên địa bàn huyện.
Có thể thấy, tuyến đê bao Quảng Điền đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế nông nghiệp của nhân dân huyện Krông Ana. Người dân mong muốn chính quyền các cấp sớm có phương án hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp những đoạn xuống cấp, xung yếu trên toàn tuyến đê. Việc sửa chữa cũng cần tính toán khoa học, hợp lý, đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài, giúp người dân yên tâm canh tác.
Tuấn Anh