Nhiều thôn, buôn bị cô lập do nước lũ chia cắt. Ảnh: Dương Giang -TTXVN |
Đến sáng 4/1, huyện Lắk có trên 1.400 ha cây trồng bị ngập lụt, trong đó có 1.372 ha lúa mới gieo sạ; 39 ha khoai lang, thuộc các xã Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết, Bông Krang, Yang Tao. Tại huyện Krông Ana, nước lũ dâng cao khiến hơn 1.000 ha cây trồng chủ yếu là khoai lang và lúa nước của người dân mới gieo sạ vùng ven sông bị nước lũ nhấn chìm.
Mưa lớn cũng khiến nước sông Krông Pắk dâng cao làm xói lở 30m đập dâng trạm bơm thôn 7B, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, gây mất an toàn. Ngoài diện tích lúa nước mới gieo trồng và hoa màu bị ngập úng, một số tuyến đường giao thông, kênh mương nội đồng trên địa bàn các huyện Lắk, Krông Ana cũng bị hư hỏng nghiêm trọng.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến ngày 4/1, mực nước sông Krông Ana vẫn dâng cao, tiếp tục gây ngập lụt trên diện rộng. Trước mắt, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra công trình đập dâng trạm bơm thôn 7B, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, hướng dẫn địa phương thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn, khắc phục tạm thời để kịp thời phục vụ sản xuất của người dân.
Đồng thời, đơn vị đã có văn bản yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Lắk, huyện Krông Ana thông báo đến người dân vùng hạ lưu sông Krông Ana tình hình ngập lụt để chủ động thực hiện kế hoạch ứng phó, sản xuất; phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức trực 24/24 giờ, kịp thời báo cáo tình hình mưa lũ.
Phạm Cường