Đắk Lắk huy động tổng lực khống chế dịch COVID-19

Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Trong tháng 10/2021, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao đột biến và trở thành một trong những “điểm nóng” về dịch COVID-19 của cả nước. Hiện, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ cao bùng phát mạnh trong thời gian tới. Đối mặt với “đợt dịch lớn”, Đắk Lắk thiếu và yếu về các điều kiện phòng, chống dịch hiệu quả, do đó tỉnh đang huy động mọi nguồn lực để khống chế, hạn chế thấp nhất khả năng dịch bùng phát và lây lan trong cộng đồng.

Đắk Lắk huy động tổng lực khống chế dịch COVID-19 ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Bộc lộ nhiều hạn chế

Tính đến 16 giờ ngày 1/11, Đắk Lắk ghi nhận 4.294 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.110 trường hợp đang điều trị và 24 ca tử vong. Số ca mắc trong 7 ngày qua là 971, là số ca mắc được ghi nhận cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, từ đầu tháng 10 đến nay số ca mắc trong cộng đồng tăng cao với nhiều chùm ca bệnh số lượng lớn, phức tạp và rải rác ở nhiều địa phương.

Khi số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, công tác phòng, chống dịch tại Đắk Lắk bộc lộ những hạn chế, nhất là thiếu về nguồn lực phục vụ chống dịch, yếu về năng lực xét nghiệm và thấp về tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo Sở Y tế Đắk Lắk, số lượng ca mắc mới trong một ngày tăng nhanh khiến công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 phải tăng công suất lên rất nhiều lần. Trong khi đó, các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 còn thiếu nhiều trang thiết bị, vật tư y tế; đặc biệt là thuốc và các nhân lực có trình độ cao trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nên với số lượng bệnh nhân tăng nhanh rất dễ chuyển mức độ nặng và nguy kịch. Bên cạnh đó, một số cơ sở điều trị cũng rơi vào tình trạng quá tải khi số ca bệnh tăng cao.

Số ca bệnh tăng, nhiều chùm ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng đòi hỏi công suất xét nghiệm phải tăng lên nhiều lần. Tuy nhiên, năng lực xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp Realtime RT-PCR của Đắk Lắk còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng ứng phó với dịch khi bùng phát mạnh trong cộng đồng.

Đắk Lắk huy động tổng lực khống chế dịch COVID-19 ảnh 2Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ vaccine trên toàn tỉnh đang ở mức thấp. Cụ thể, đến ngày 31/10, số người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 là 671.334 liều (đạt 49,28%) và tiêm đủ 2 mũi là 120.466 liều (đạt là 8,84%). Tỷ lệ bao phủ vaccine thấp làm tăng khả năng lây lan trong cộng đồng cũng như tăng áp lực cho công tác điều trị bệnh nhân. Toàn tỉnh đã có 24 trường hợp tử vong đều xảy ra trên các trường hợp chưa tiêm vaccine.

Trong tuần vừa qua, Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy đã khảo sát, đánh giá và chia sẻ về công tác phòng, chống dịch tại Đắk Lắk. Theo đánh giá của bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, với tốc độ lây nhiễm như hiện nay, năng lực xét nghiệm của Đắk Lắk cần chạy được 15.000 mẫu/ngày. Tuy nhiên, hiện năng lực xét nghiệm của tỉnh quá thấp, chỉ đạt hơn 3.000 mẫu đơn/ngày. Cũng do xét nghiệm chậm nên nhiều bệnh nhân ở các khu điều trị phải chờ kết quả xét nghiệm PCR mới được xuất viện, dẫn đến áp lực và quá tải lên các cơ sở thu dung, điều trị.

“Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị đã quá tải khi số ca bệnh tăng nhanh, đáng lo ngại khi các giường của bệnh nhân tầng 2, tầng 3 đang phải dùng để điều trị bệnh nhân tầng 1. Nếu trong thời gian tới, bệnh nhân tầng 1 chuyển nặng thì sẽ không thể thu dung lên tầng 2, tầng 3. Mặc khác, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hiện nay còn quá thấp cũng khiến công tác phòng, chống dịch trở nên khó khăn hơn”, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh cho hay.

Chủ động ứng phó với tình huống xấu

Diễn biến của dịch COVID-19 tại Đắk Lắk đang trải qua giai đoạn cam go, phức tạp và khó lường nhất từ trước đến nay, thậm chí tình huống xấu nhất có thể “ập đến” bất cứ lúc nào. Do đó, tỉnh cần sớm có kịch bản ứng phó với trường hợp dịch bùng phát mạnh trên diện rộng, nhất là giảm tối đa trường hợp tử vong.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, trước mắt với số ca bệnh tăng nhanh, phải tăng khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân. Trong đó, tại Bệnh viện Dã chiến số 1 cần triển khai hết công suất lên 1.200 giường, khẩn trương đưa Bệnh viện Dã chiến số 2 vào hoạt động. Cần tính toán khả năng mở rộng quy mô của bệnh viện dã chiến để nâng cao khả năng thu dung, điều trị trong thời gian tới và chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 như hệ thống ô-xy lỏng, khí nén; sớm triển khai mô hình bệnh viện hai trong một ở các bệnh viện tuyến huyện để vừa thu dung điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 vừa đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh thông thường nhằm giảm áp lực cho các cơ sở điều trị COVID-19 hiện nay.

Đắk Lắk huy động tổng lực khống chế dịch COVID-19 ảnh 3Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Đắk Lắk cũng phải nghiên cứu, hướng dẫn để triển khai cho F1 cách ly tại nhà, đặc biệt cần sàng lọc khoảng 30-50% F1 ở nhóm nguy cơ thấp cho cách ly tại nhà nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại khu cách ly tập trung. Tại các khu cách ly tập trung phải phân loại được nhóm F1 có nguy cơ thấp, hay nhóm F1 đã cách ly 1 tuần có kết quả xét nghiệm PCR âm tính để cho cách ly tại nhà, giúp giảm tải và hạn chế lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung. Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh cần trình, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải pháp, bằng cách nhờ sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Viện Pasteur Nha Trang để có thêm xe xét nghiệm lưu động và đơn vị xét nghiệm hỗ trợ.

“Đắk Lắk cũng cần tính toán đến việc điều trị F0 tại nhà. Qua khảo sát ở thành phố Buôn Ma Thuột, các trạm y tế vẫn chưa được trang bị bình ô-xy, chưa hình thành các đội y tế lưu động cho trường hợp điều trị F0 tại nhà. Đây là công việc phải được làm sớm và có thể tập huấn, triển khai theo hình thức “cuốn chiếu” ở các xã, phường, vừa làm, vừa đánh giá, vừa nhân rộng. Sở Y tế và cơ sở điều trị tầng 3 cần phát huy vai trò điều phối, tiếp nhận bệnh nhân và hội chẩn để chuyển tầng điều trị của bệnh nhân nặng kịp thời, thuận tiện, giảm thiểu nguy cơ bệnh nhân nguy kịch và tử vong”, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh cho biết.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, để góp phần ngăn chặn dịch diễn ra ở diện rộng, giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vong, Đắk Lắk và ngành Y tế cần nhanh chóng bao phủ vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng. Khi dịch bệnh diễn ra trên diện rộng, phải giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vong.

“Một trong những vấn đề quan trọng nhất trong điều trị bệnh nhân COVID-19 là ô-xy và điều phối bệnh nhân theo đúng tầng điều trị. Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng số giường hồi sức cho bệnh nhân nặng và nguy kịch. Đắk Lắk hiện có khoảng 2,1 triệu dân, cần số giường điều trị cho bệnh nhân nặng và nguy kịch khoảng từ 220-250 giường. Dựa trên kế hoạch đó sẽ biết tỉnh đang thiếu gì và đề xuất Bộ Y tế cùng một số tỉnh, thành như Thành phố Hồ Chí Minh có thể hỗ trợ dựa trên kế hoạch chi tiết”, Tiến sĩ Nguyễn Tri Thức cho hay.

Tại chuyến khảo sát, hỗ trợ Đắk Lắk chống dịch, Đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng chia sẻ về chuyên môn, kinh nghiệm điều trị đối với bệnh nhân COVID-19. Đặc biệt, kinh nghiệm để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây chéo trong khu điều trị, cách ly tập trung; giảm thiểu bệnh nhân chuyển nặng, tử vong vì COVID-19; đảm bảo sức khỏe, nguồn nhân lực của y tế và cách huy động sự tham gia của cộng đồng để phục vụ cuộc chiến lâu dài với dịch COVID-19 trong trường hợp dịch bùng phát mạnh…

Trong bối cảnh dịch bệnh tại Đắk Lắk đang diễn biến nhanh, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tỉnh cần “thần tốc hành động”, nhất là khắc phục những hạn chế và chủ động các phương án cho tình huống xấu nhất.

Dồn lực khống chế dịch

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, hiện Đắk Lắk có 5 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 1.920 giường bệnh theo mô hình tháp 3 tầng. Để nâng cao khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 đang tăng cao, tỉnh khẩn trương nâng công suất điều trị tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 lên trên 5.500 giường. Trong đó, thành lập thêm Bệnh viện Dã chiến số 2 với quy mô 1.500 giường (dự kiến đầu tháng 11/2021, bệnh viện sẽ đi vào hoạt động); nâng cao khả năng điều trị của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch lên 700 giường. Các bệnh viện tuyến huyện là Trung tâm Y tế huyện Krông Búk (hiện có 230 giường), Bệnh viện Đa khoa Khu vực 333 (300 giường), Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (100 giường) sẽ được bố trí thêm từ 5-20 giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, để giảm áp lực điều trị cho tuyến trên và giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân nặng.

“Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm công tác phòng chống dịch, làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng; tiếp tục rà soát lại hoạt động của các tổ công tác phòng, chống COVID-19 của tỉnh để kịp thời bổ sung thành viên và phân công triển khai các hoạt động hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Tỉnh cũng yêu cầu các cơ sở điều trị tiếp tục nâng cao năng lực thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất trường hợp bệnh nhân COVID-19 tử vong; huy động cả hệ thống chính trị, mọi nguồn nhân lực, kể cả sinh viên, phòng khám tư nhân, bệnh viện tư tham gia… để có nguồn lực đủ mạnh phục vụ công tác phòng, chống dịch”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh tại Đắk Lắk như hiện nay, việc bao phủ vaccine là một trong những điều kiện quan trọng để ngăn chặn dịch lây lan và bùng phát trong cộng đồng.

Ông Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tính đến ngày 30/10, theo kế hoạch phân bổ, Đắk Lắk có khoảng 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Dân số của tỉnh từ 18 tuổi trở lên là hơn 1,3 triệu người, với số vaccine trên đủ bao phủ được 72% số người tiêm mũi 1. Từ cuối tháng 10 đến nay tỉnh mới tiếp nhận thêm vaccine. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã lên kế hoạch phân bổ và chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, phấn đấu hoàn thành tiêm 1 triệu liều này trước ngày 5/11. Riêng thành phố Buôn Ma Thuột, hiện là “điểm nóng” của dịch COVID-19 tại Đắk Lắk, ngành Y tế đang khẩn trương tiêm chủng để người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 trước ngày 15/11.

“Hiện nay, các địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đều được ưu tiên phân bổ vaccine phòng COVID-19 để sớm khống chế dịch bệnh như huyện Krông Búk đã hoàn thành mũi 1 cho 100% người từ 18 tuổi trở lên. Huyện Cư Kuin phấn đấu đến ngày 5/11, sẽ bao phủ trên 95% mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đối với các huyện có ổ dịch phát sinh, ngành Y tế sẽ cân đối phân bổ nguồn vaccine cho địa phương đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine ở vùng nguy cơ, cắt đứt nguồn lây truyền và sớm khống chế dịch”, ông Trịnh Quang Trí cho biết thêm.

Theo Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Nay Phi La, để sớm kiểm soát dịch, bên cạnh chủ động thực hiện xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm trong cộng đồng nhằm kịp thời triển khai cách ly, khoanh vùng, điều trị phù hợp, ngành Y tế tỉnh cũng chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng nhanh với các tình huống dịch có thể xảy ra, đặc biệt khi số lượng ca mắc tăng nhanh. Trong đó, ngành dồn sức điều chỉnh sớm các biện pháp phòng, chống dịch trên cơ sở chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và sự đóng góp của Đoàn công tác Bệnh viện Chợ Rẫy.

Ngành Y tế sẽ tăng tốc tiêm vaccine phòng COVID-19 để sớm bao phủ vaccine ở những địa bàn nguy cơ cao; nâng cao khả năng thu dung, điều trị ở các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19; chuẩn bị phương án ứng phó với trường hợp dịch tiếp tục bùng phát mạnh trong cộng đồng nhất là thành lập Trung tâm ô-xy để đáp ứng nhu cầu cho các cơ sở điều trị; sớm triển khai trạm y tế lưu động để theo dõi, hỗ trợ cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà…

“Bên cạnh huy động các lực lượng, nguồn lực tại chỗ, ngành Y tế đã kiến nghị Bộ Y tế, các tỉnh, thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… hỗ trợ Đắk Lắk về nhân lực, thuốc, trang thiết bị máy móc, cơ sở vật chất từ các Bệnh viện dã chiến của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương để phục vụ chống dịch trong giai đoạn này”, ông Nay Phi La cho hay.

Ngày 1/11, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 10699 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn Đắk Lắk. Đây là cơ sở để các địa phương đánh giá cấp độ dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp, thống nhất trên toàn tỉnh.

Tỉnh Đắk Lắk đang khẩn trương triển khai hàng loạt biện pháp nhằm từng bước khống chế và ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng. Nhưng, mọi biện pháp chỉ phát huy hiệu quả khi cả hệ thống chính trị cùng thực hiện với quyết tâm cao nhất. Bên cạnh vai trò của chính quyền, các cấp, ngành liên quan thì hơn lúc nào hết mỗi người dân cần tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch đúng với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ” trên “mặt trận” chống dịch để sớm kiểm soát dịch bệnh và trở về cuộc sống “bình thường mới”.


Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm