![]() |
Một gia đình sinh đông con ở xã Krông Jing. |
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở xã Krông Jing nói riêng và huyện M’Đrắk nói chung là do trình độ dân trí không đồng đều, tồn tại nhiều phong tục tập quán cưới hỏi, sinh đẻ lạc hậu, đặc biệt là tâm lý “đông con hơn nhiều của”. Không những vậy, huyện M’Đrắk là một trong những huyện nghèo của tỉnh nơi có 17 dân tộc anh em chung sống, dân cư phân bố rải rác… nên công tác truyền thông Dân số-KHHGĐ gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thực tế đó, hàng năm, các cấp, các ngành, đoàn thể ở huyện M’Đrắk đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Trong đó, đặc biệt chú trọng biện pháp truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội họp, ra quân chiến dịch truyền thông dân số, treo băng rôn khẩu hiệu, sinh hoạt nói chuyện chuyên đề… về các chủ trương chính sách liên quan đến Dân số-KHHGĐ, Luật Hôn nhân và Gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản… Tuy nhiên, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở huyện M’Đrắk vẫn đang diễn ra khá phức tạp. Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện M’Đrắk, từ năm 2011 đến năm 2014, số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên trong toàn huyện là 980 trẻ; riêng năm 2014 có 242 trẻ, chiếm 18,72% tổng số trẻ sinh ra (cao hơn mặt bằng chung của tỉnh Đắk Lắk 4,82%). Một số xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao như: xã Cư San (34,03%), Ea Trang (22,81%), Ea M’doal (21,43%), Krông Jing (16,04%)… Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 186 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, chiếm 20,53% tổng số trẻ sinh ra (tăng 1,81% so với năm 2014). Con số đó có nguy cơ tăng lên vì hiện tại huyện M’Đrắk vẫn còn 3.167 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chưa sử dụng biện pháp tránh thai (trong đó, có 354 cặp đã sinh 3 con và 340 cặp đã sinh 2 con một bề). Thách thức đó vẫn là một bài toàn nan giải trong công tác Dân số-KHHGĐ ở M’Đrắk hiện nay.