Để phát triển bền vững cây cà phê, vừa phát huy tiềm năng địa phương vừa nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc, những năm vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đã đẩy mạnh tái canh cà phê, xây dựng các vùng chuyên canh cà phê theo hướng hàng hóa, chất lượng cao…
Chiếm hơn 70% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày và 33% tổng diện tích gieo trồng, cà phê luôn là cây trồng chủ lực, mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh Đắk Lắk. Niên vụ 2019 - 2020, toàn tỉnh có 208.109 ha cà phê, tăng 5.046 ha so với niên vụ trước, trong đó diện tích cho sản phẩm là 190.678 ha, tăng 2.738 ha, năng suất bình quân đạt 24,99 tạ cà phê nhân/ha.
Thực hiện chương trình tái canh cà phê, từ năm 2014 đến năm 2020, Đắk Lắk đã tái canh được trên 35.408 ha cà phê; hơn 45.670 ha sản xuất theo quy trình bền vững có chứng nhận với 32.964 nông hộ tham gia; gần 81.400 ha cây ăn quả các loại như bơ, sầu riêng, điều… trồng xen trong vườn cà phê tái canh, vừa che bóng mát vừa cho hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ “trẻ hóa” nhiều vườn cây già cỗi, chương trình tái canh cà phê còn góp phần tăng chất lượng và sản lượng cà phê. Niên vụ 2019 - 2020, tổng sản lượng cà phê của tỉnh đạt 476.424 tấn (niên vụ 2012 - 2013 là 390.517 tấn). Cà phê Đắk Lắk hiện được xuất khẩu đến 58 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng khối lượng trên 195.200 tấn (chiếm tỷ trọng 11,9% so với cả nước), tổng kim ngạch đạt gần 332 triệu USD.
Chương trình tái canh cà phê gắn với phát triển bền vững thời gian qua đã cung cấp khoảng 46 triệu cây giống kháng bệnh cho năng suất cao. Ảnh: Vũ Sinh
Nhằm đẩy mạnh tái canh cà phê gắn với phát triển bền vững, Đắk Lắk đang triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ như: tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn tái canh cà phê; ưu đãi, khuyến khích liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ, thiết bị phục vụ chế biến và bảo quản…
Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết: Các địa phương cần tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng miền gắn với ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời xây dựng các mô hình tái canh áp dụng biện pháp sinh học tổng hợp, mô hình sản xuất cà phê tiết kiệm nước gắn với công nghệ thâm canh cao, mô hình sản xuất cà phê sạch…
Hoài Thu – Vũ Sinh