Đắk Lắk: Cưỡng chế giải phóng mặt bằng Dự án hồ Krông Pách Thượng

Đắk Lắk: Cưỡng chế giải phóng mặt bằng Dự án hồ Krông Pách Thượng

Ngày 8/11, Ủy ban nhân dân huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp báo công bố thông tin về tình hình giải phóng mặt bằng và kế hoạch cưỡng chế giải phóng mặt bằng Dự án hồ Krông Pách Thượng. Dự án đã kéo dài hơn 12 năm và gặp vướng mắc chủ yếu trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đắk Lắk: Cưỡng chế giải phóng mặt bằng Dự án hồ Krông Pách Thượng ảnh 1

Mưa lớn, nước trong khu vực lòng hồ công trình thủy lợi Krông Pách Thượng có nguy cơ làm ngập lụt hàng trăm hộ dân xã Cư San, huyện M' Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Anh Dũng - TTXVN

Dự án hồ Krông Pách Thượng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 1394/QĐ-BNN-XD ngày 15/5/2009. Đến ngày 20/12/2018 có Quyết định số 4988/QĐ-QĐ-BNN-XD, phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk (giai đoạn 1) với tổng kinh phí 4.400 tỷ đồng. Dự án có liên quan đến 4 huyện gồm: M’Đrắk, Krông Bông, Ea Kar và Krông Pắc.

Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới, nước sinh hoạt, cải thiện môi trường, nâng cao đời sống cho đồng bào trong khu vực, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh. Ngoài ra, dự án cấp nước tưới cho 14.900 ha đất nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống cho 9.620 hộ vùng hưởng lợi, điều hòa, giảm lũ, phòng, chống úng cho hạ du, tạo cảnh quan du lịch, nuôi trồng thủy sản và góp phần cải thiện khí hậu của vùng dự án.

Tại huyện M’Đrắk, dự án ảnh hưởng tới các thôn 8,9,10,11 của xã Cư San với khoảng 720 hộ (chưa tính hộ xâm canh) diện tích 580 ha và tại thôn 5 của xã Krông Á với diện tích phải thu hồi 170 ha. Nguồn gốc đất đai chủ yếu do đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự phát từ phía Bắc vào tự khai hoang, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tổng số hộ dân thuộc diện tái định cư của dự án là 729 hộ, chủ yếu thuộc huyện M’Đrắk. Tỉnh Đắk Lắk đã bố trí 2 khu tái định cư tại các xã Cư Êlang và Cư Bông, huyện Ea Kar. Đây là các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi cho người dân, đảm bảo được tiêu chí theo quy định của Nhà nước về nơi ở tái định cư tốt hơn so với nơi ở cũ của nhân dân. Đồng thời, mỗi hộ dân khi tái định cư được cấp đất ở, đất sản xuất sớm ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.


Tính đến nay đã có 220 hộ dân chuyển đến Khu tái định cư số 1, xã Cư Elang, huyện Ea Kar. Khu tái định cư số 2 cũng đã hoàn thành phần lớn hạng mục công trình và sẵn sàng đón hộ dân đến định cư với khoảng 500 lô. Hiện đã có 6 hộ dân đến ở tại khu tái định cư số 2.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện M’Đrắk Nguyễn Đức Thảo cho biết, theo kế hoạch di dân, tái định cư số hộ chưa di dân còn khoảng 510 hộ. Trong đó, có 16 hộ chưa di dời về khu tái định cư dù đã đủ điều kiện di dời, dự kiến từ ngày 15-17/11, huyện sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 16 hộ trên. Đối với hộ dân còn lại, theo kế hoạch đến ngày 31/12/2022 sẽ di dời về các khu tái định cư. Từ nay đến ngày 31/12/2022, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân làm thủ tục và chủ động di dời về khu tái định cư, trong trường hợp các hộ dân không đồng ý di dời, huyện sẽ tổ chức cưỡng chế để giải phóng mặt bằng.

Phát biểu kết luận tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đức Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện M’Đrắk khẳng định: Dự án hồ Krông Pách Thượng là công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do có số lượng hộ dân di dời cũng như diện tích đất thu hồi lớn nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến công trình chậm tiến độ và kéo dài trong nhiều năm.

Do đó, chính quyền địa phương sẽ triển khai các bước cưỡng chế giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật. Việc lên kế hoạch cưỡng chế những hộ dân không chấp hành quy định nhằm giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đặc biệt, việc di dân về khu tái định cư sẽ bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân ở vùng lòng hồ trong mùa mưa lũ (khu vực thường xuyên bị ngập, lụt khi mưa lớn), đồng thời tạo điều kiện để nhân dân sớm ổn định đời sống, sản xuất ở khu tái định cư.

Ủy ban nhân dân huyện M’Đrắk cũng đề nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh hỗ trợ lực lượng, phương tiện nhằm đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, an toàn khi thực hiện cưỡng chế. Ủy ban nhân dân huyện Ea Kar và chính quyền các xã Cư Ea Lang, Cư Bông bố trí lực lượng bốc dỡ tài sản từ xe vận chuyển xuống vị trí đất ở của hộ dân tại khu tái định cư nếu hộ dân chấp hành đi tái định cư theo quy định.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm