Đại tướng Chu Huy Mân tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913, tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, người cộng sản kiên trung, mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong Hội thảo khoa học "Đại tướng Chu Huy Mân - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An" tổ chức ngày 17/3, tại Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho rằng, mảnh đất Nghệ An vinh dự, tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là vùng đất của nhiều danh nhân văn hóa, lịch sử nổi tiếng, nhiều chí sĩ yêu nước, lãnh tụ cách mạng kiệt xuất…, trong đó có Đại tướng Chu Huy Mân. Cùng với tài năng, sự phấn đấu và rèn luyện, truyền thống của quê hương Xứ Nghệ cũng đã góp phần vào sự hình thành nhân cách, nâng bước đường hoạt động cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân.
Đại tướng hết sức quan tâm đến sự phát triển của tỉnh Nghệ An, kịp thời động viên, khuyến khích, đóng góp ý kiến cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh kiên cường chiến đấu, vượt qua thử thách, hy sinh đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; góp phần đưa Nghệ An vượt qua khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên để trở thành tỉnh phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh, học tập tấm gương đồng chí Chu Huy Mân, Đảng bộ, quân và dân Nghệ An đã luôn đoàn kết phấn đấu, kiên trì, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành các mục tiêu đề ra, đạt được nhiều thành tựu quan trọng qua các thời kỳ cách mạng, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện nghĩa vụ quốc tế với các nước bạn Lào và Campuchia, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
Trong công cuộc đổi mới, nhất là những năm gần đây, Nghệ An tiếp tục đạt được những thành tựu kinh tế, xã hội rất quan trọng. Đặc biệt, năm 2022, dù gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế thế giới nhưng Đảng bộ, quân và dân Nghệ An đã hoàn thành 27/28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng đạt 9,08%; lần đầu tiên thu ngân sách vượt mốc 20.000 tỷ đồng, đạt 21.805 tỷ đồng; thu hút FDI xấp xỉ đạt 1 tỷ USD, đứng tốp 10 cả nước, đến cuối năm 2022, có 75,18% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới…
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cũng cho rằng, những kết quả mà tỉnh Nghệ An đạt được trong nhiều lĩnh vực rất đáng trân trọng, nhưng chỉ mới là bước đầu, còn thấp so với nhiều tỉnh có cùng điểm xuất phát. Tỉnh vẫn đang đứng trước nhiều điểm nghẽn, nút thắt, nhiều vấn đề chưa có được những giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ, đẩy nhanh phát triển. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng âu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn; một số nơi thuộc vùng đặc thù còn tiềm ẩn những yếu tố dễ mất ổn định về an ninh, trật tự. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu, học tập và phát huy tinh thần cách mạng của đồng chí Chu Huy Mân, phát huy truyền thống cách mạng và văn hóa của quê hương, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; tăng cường đoàn kết, thống nhất; đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2025; tạo cơ sở để đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra". Xác định mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Nghệ An sẽ tập trung thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc chú trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Cùng với đó, đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế và những bất lợi của tỉnh trên quan điểm phát triển hiện đại, nhất là ở những khâu đột phá về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng, thông qua đó phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế và hóa giải những khó khăn, bất cập, điểm nghẽn trong sự phát triển của tỉnh.
Quyết tâm biến khát vọng về "Kỳ tích Sông Lam" trở thành chương trình hành động phát triển; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; đào tạo nghề gắn với sử dụng nghề; gắn chặt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội bền vững với đảm bảo về quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Nguyễn Văn Nhật