Các cháu thiếu nhi thành phố Hà Giang chào mừng Đại hội. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN |
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hà Giang cần ưu tiên tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững; từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc, các vùng trong tỉnh; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Hà Giang đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, Đại hội đã đề ra mục tiêu đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm từ 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 5-6%/năm; đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ các chính sách về y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư về kết cấu hạ tầng thiết yếu để phát triển kinh tế-xã hội...
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Với mục tiêu “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Hà Giang đã tập trung ưu tiên, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông trao tặng lẵng hoa của Ủy ban Dân tộc cho Đại hội. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN |
Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang có bước phát triển khá, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm hàng năm bình quân đạt từ 7 - 8%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 26,2 triệu đồng. 100% các xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm. 89,6% hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện; mạng lưới và hạ tầng bưu chính viễn thông đến được trên 97% vùng núi, vùng sâu. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2010 - 2015 giảm từ 41,8% xuống còn 17,91% (theo chuẩn nghèo cũ) và còn 31,17% năm 2018 (theo chuẩn nghèo đa chiều), ước hết năm 2019 giảm xuống còn 27%.
Chất lượng giáo dục vùng dân tộc và miền núi được nâng lên. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm; quốc phòng, an ninh được giữ vững...
Ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: Là tỉnh miền núi, biên giới đặc biệt khó khăn, Hà Giang có 19 dân tộc sinh sống, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số, có 5 dân tộc rất ít người. Địa hình bị chia cắt mạnh, độ dốc lớn, thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt… Năm 2020 và những năm tiếp theo, công tác dân tộc được Đảng bộ tỉnh quan tâm chú trọng. Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo tiền đề để đồng bào chủ động, tự lực, vươn lên thoát nghèo.
65 đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II ra mắt Đại hội. Ảnh: Minh Tâm-TTXVN |
Đại hội cũng đã lựa chọn, giới thiệu 65 đại biểu ưu tú tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020.
Tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông và Thường trực HĐND, UBND tỉnh Hà Giang đã trao danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” của Chủ tịch nước phong tặng 8 nghệ nhân dân gian tỉnh Hà Giang vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang tặng nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc.
Minh Tâm