Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Harvard (Hoa Kỳ) thúc đẩy hợp tác

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Harvard (Hoa Kỳ) thúc đẩy hợp tác
Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) thuyết trình với giảng viên và sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về chủ đề “Nội chiến Hoa Kỳ”. Ảnh: Hoa Tranh
Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) thuyết trình với giảng viên và sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về chủ đề “Nội chiến Hoa Kỳ”. Ảnh: Hoa Tranh


Tại đây, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã cùng trao đổi với Hiệu trưởng Trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) về tiềm năng và những hướng quan trọng, ưu tiên hợp tác giữa hai đại học trong thời gian tới. Sau đó, Giáo sư Drew Gilpin Faust có buổi thuyết trình với giảng viên và sinh viên của Trường về chủ đề “Nội chiến Hoa Kỳ”. 

Với thông điệp mong muốn đấu tranh cho hòa bình, gắn kết giữa hai dân tộc, bà Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Trường Đại học Harvard, chia sẻ: "Các bạn có một khẩu hiệu nhắn gửi khách du lịch rằng Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh. Giống như rất nhiều người Mỹ khác từng đến đây, tôi vẫn hằng mong Việt Nam trong tâm trí tôi không phải tên gọi của một cuộc xung đột bất ngờ ập đến với thế hệ chúng tôi, mà là một quốc gia và xã hội với tất cả sự phức hợp, vẻ đẹp, lịch sử, sự sống động và triển vọng của nó. Và không hiểu sao, dường như đối với tôi, tìm hiểu đất nước của các bạn trở thành điều cần thiết để hiểu chính đất nước của tôi. Lịch sử giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình”. 

Gặp gỡ các cơ quan báo chí sau buổi làm việc với nhà trường, Giáo sư Drew Gilpin Faust cho biết, là một nhà sử học bà rất vinh dự đến thăm, làm việc và có buổi thuyết trình với sinh viên tại trường đại học hàng đầu Việt Nam về khoa học xã hội và nhân văn, nhất là về sử học. Chuyến thăm thể hiện mong muốn tìm hiểu rõ hơn về Việt Nam, không chỉ là về lịch sử mà cả về sự phát triển năng động, nhanh chóng của Việt Nam trong thời gian gần đây. 

Giáo sư Drew Gilpin Faust cho biết, trong buổi làm việc, lãnh đạo hai trường đã cùng trao đổi về các hoạt động hợp tác đã, đang diễn ra, đồng thời định hướng về cơ hội hợp tác hai đại học trong thời gian tới. Các nội dung hợp tác không chỉ là giữa các học giả của Đại học Harvard đang nghiên cứu về lịch sử Việt Nam mà còn nhiều chủ đề liên quan khác. Bà cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới giữa Đại học Harvard và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động hợp tác hơn. 

Theo Giáo sư Drew Gilpin Faust, hiện có 16 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại học Harvard, bà cũng mong muốn sinh viên Việt Nam sẽ lựa chọn Đại học Harvard nếu có ý định đi du học. Sinh viên Việt Nam được xem xét bình đẳng với sinh viên trong nước về hỗ trợ cấp học bổng tại Đại học Harvard, không có sự phân biệt giữa sinh viên trong nước và sinh viên nước ngoài. 

Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoa Tranh
Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoa Tranh


Thông tin về kết quả buổi làm việc, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: Trong buổi làm việc với Hiệu trưởng Trường Đại học Harvard, nhà trường đã đề xuất hai hướng tiếp tục hợp tác nghiên cứu trong thời gian tới, gồm sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ góc độ khoa học xã hội và nhân văn; công cuộc đổi mới của Việt Nam trong một thế giới toàn cầu hóa. Hiệu trưởng Đại học Harvard cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác với nhà trường. 

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, việc đề xuất hai hướng hợp tác này dựa trên nhu cầu phát triển của đất nước. Cụ thể, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu. Giải quyết vấn đề này không chỉ là bài toán chung của khoa học kỹ thuật mà còn phải nhìn dưới góc độ khoa học xã hội và nhân văn, như về lối sống, tập quán canh tác, chuyển đổi mô hình, sản phẩm… 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, chia sẻ thêm: Thực tế thời gian qua, rất nhiều học giả của Đại học Harvard đã tham gia nghiên cứu về hai chủ đề này. Sau buổi làm việc lần này nhà trường hy vọng sẽ tìm thấy những hợp tác cụ thể hơn với Đại học Harvard về hai hướng nghiên cứu này. Chuyến thăm lần này Hiệu trưởng Trường Đại học Harvard với nhà trường chính là tín hiệu mở đầu cho một thời kỳ thăng hoa trong quan hợp tác giữa Đại học Harvard với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng./. 
 

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm