Tuy nhiên, vào thời điểm mà phương thức canh tác còn lạc hậu, sau vài mùa thu hoạch cho năng suất cao, vườn cà phê gia đình ông trở nên cằn cỗi, giảm sản lượng do đất bạc màu, kém dinh dưỡng. Trong khi đó tại địa phương, cây tiêu đang trên đà phát triển với giá thành sản phẩm cao, nắm bắt được xu thế đó, Y’Blăm Niê đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích cà phê sang trồng tiêu; đồng thời bắt đầu áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 2.000 trụ tiêu và gần 1 ha cà phê cho năng suất cao.
Ngoài việc tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông còn học hỏi ở các địa phương khác về kinh nghiệm chăm sóc, mô hình canh tác hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Sau khi tìm hiểu về phương thức xen canh cây trồng, cùng nhiều chuyến thực tế tại các vườn cây xen canh cho hiệu quả kinh tế cao ông Y’Blăm Niê đã quyết định chọn cây bơ và sầu riêng để xen canh trong vườn cà phê, hồ tiêu.
![]() |
Ông Y’Blăm Niê chăm sóc vườn cây mới xen canh. |
Hiện gia đình ông Y’Blăm Niê xen canh được 50 cây bơ và 50 cây sầu riêng trong vườn cây công nghiệp. Không chỉ đón đầu xu hướng phát triển của ngành trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông còn tích cực học tập để làm chủ kỹ thuật trong sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Công - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ea Drông cho biết: Buôn Rlatc có 99% hộ dân là người Ê Đê bản địa. Trước đây, khi hội họp, tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào phải mượn địa điểm tại các gia đình có sân rộng. Vì vậy, việc huy động đồng bào tham gia đầy đủ rất khó khăn, nhất là những hộ ở xa.
Năm 1999, Nhà nước có chủ trương hỗ trợ kinh phí cho buôn Rlatc xây dựng nhà văn hóa cộng đồng nhưng chưa tìm được khu đất trung tâm của buôn để khởi công. Biết được thông tin này, ông Y’Blăm Niê đã tự nguyện hiến 250m² đất vườn nhà mình để xây dựng nhà cộng đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc hiến đất xây nhà cộng đồng, khi chứng kiến con em trong buôn Rlatc vượt đường xa đến buôn khác tìm con chữ, ông Y’Blăm Niê đã không khỏi chạnh lòng. Năm 2004, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản được xây dựng tại buôn Raltc, để có đường đi vào cổng trường, ông Y’Blăm Niê đã phá bỏ hơn 100 trụ tiêu của gia đình, hiến 60m đất (rộng 1,5m) để làm con đường đi vào trường. Ông còn trực tiếp đến 2 hộ trong buôn vận động hiến thêm mỗi hộ 50m đất (rộng 1,5m) để có con đường hoàn chỉnh dẫn tới Trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Từ ngày có trường học, số lượng học sinh trong buôn Rlatc luôn duy trì ổn định, còn đối với ông Y’Blăm Niê đó cũng niềm vui lớn khi con em người Ê Đê đọc được con chữ, tính được bài toán và có tương lai tươi sáng hơn.
Trong các buổi hội họp tại buôn, ông là người đi đầu trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để kiến nghị lên chính quyền kịp thời giải quyết... Nhờ làm tốt công tác dân vận nên buôn Rlatc với 100 % đồng bào có đạo, tình hình an ninh chính trị luôn được ổn định.
Với những đóng góp trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ông Y’Blăm Niê đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen của tỉnh, Giấy khen của huyện, xã.../.