Ông Đoàn Minh Chiến trong khu vực trang trại của gia đình. Ảnh: Huyền Trang – TTXVN |
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống cách mạng, năm 1960, khi vừa tròn 16 tuổi, ông Chiến tham gia cách mạng và trực tiếp chiến đấu tại C61, huyện Bến Cát (tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Dương). Sau đó, ông tiếp tục công tác ở nhiều đơn vị như Tiểu đoàn Đặc công Sài Gòn Gia Định, Trung đoàn Gia Định, Sư đoàn 477, Quân khu 7 và giữ chức vụ Sư đoàn phó. Năm 1993, ông về nghỉ hưu theo chế độ.
Quê hương là vùng đất từng là chiến khu Đ năm xưa vẫn còn hoang tàn, đời sống nhân dân ở địa phương còn nhiều khó khăn. Nghỉ hưu, là thương binh hạng 2/4, lại bị nhiễm chất độc da cam, ảnh hưởng 60% sức khỏe nhưng ông lại tiếp tục tham gia vào một "trận chiến" mới, đẩy lùi “giặc đói”, “giặc nghèo”.
Lúc đầu, ông trồng lúa để đảm bảo lương thực, sau đó ông trồng một số loại cây ăn quả với phương châm "lấy ngắn nuôi dài". Đến cuối năm 2000, ông đã hoàn tất việc trồng cây cao su. Sau đó, ông trồng tiếp bưởi da xanh. Ông Chiến cho biết: Khi mới bắt tay vào làm kinh tế, vùng đất này không điện, không nước, không có đường đi, trên mặt đất còn sót lại nhiều bom, mìn. Ông phải trực tiếp gỡ mìn để lấy đất trồng cây.
Trải qua những khó khăn vất vả ban đầu, đến nay, ông Đoàn Minh Chiến đã sở hữu một trang trại tổng hợp theo mô hình vườn - ao - chuồng - rừng với tổng diện tích trên 54 héc ta; trong đó có 33 héc ta cao su; 10 héc ta cây ăn quả, 2 héc ta ao cá, 7 héc ta cây rừng. Mỗi năm, gia đình ông thu được trên 350 tấn mủ cao su các loại, 30 -35 tấn trái cây, 15 tấn măng tre điền trúc… Tổng thu nhập đạt từ 2 đến 2,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu được từ 500 triệu - 700 triệu đồng. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Chiến còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đoàn Minh Chiến đã được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Bình Dương, cựu chiến binh điển hình trong xây dựng hoàn chỉnh mô hình trang trại tổng hợp đạt các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đạt tiêu chí quốc gia về trang trại vườn - ao - chuồng- rừng.
Ông Lê Văn Tám ở xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên cho biết: Không chỉ là người làm kinh tế giỏi, ông Chiến còn là người có tấm lòng vàng, có nhiều đóng góp tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông Chiến luôn nhiệt tình hướng dẫn mọi người kỹ thuật trồng bưởi trên đất sỏi phún, để nhân rộng loại cây trồng đang cho giá trị kinh tế cao này. Ông còn cùng gia đình tích cực tham gia công tác xã hội, đóng góp kinh phí xây dựng nhiều ngôi nhà tình thương, hỗ trợ nông dân vay vốn không lấy lãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Năm 2011, ông Chiến đã đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen... Ông được công nhận là công dân kiểu mẫu, đảng viên xuất sắc.
Ông Lê Minh Xuân, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Dương cho biết: Tỉnh Bình Dương hiện có 11 tổ chức Hội Cựu chiến binh cấp huyện; 131 tổ chức Hội cấp xã, với gần 15 ngàn 500 hội viên đang sinh hoạt. Ông Đào Minh Chiến là một cựu chiến binh đã phát huy rất tốt bản chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ. Ông rất năng động và sáng tạo, khắc phục khó khăn,tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Huyền Trang