Cuối năm, các làng nghề truyền thống ở Vĩnh Phúc bận rộn và đắt hàng

Cuối năm, các làng nghề truyền thống ở Vĩnh Phúc bận rộn và đắt hàng
Sản phẩm lưu niệm – Hướng đi mới cho làng nghề Vĩnh Phúc Ảnh minh họa - baomoi.com
Sản phẩm lưu niệm – Hướng đi mới cho làng nghề Vĩnh Phúc
Ảnh minh họa - baomoi.com
Theo các cụ cao niên Thanh Lãng kể lại, nghề mộc Thanh Lãng đã ra đời và phát triển hàng trăm năm qua. Vài chục năm trước, sản phẩm mộc ở Thanh Lãng khá đơn điệu, đơn giản; những năm gần đây, mặt hàng đồ gỗ ở làng nghề Thanh Lãng đã đa dạng, đổi thay theo chiều hướng tích cực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm trở nên nổi tiếng như sập gụ, tủ, bàn ghế đã được các thợ kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng cổ kính với những yếu tố hiện đại khắc họa đường nét hoa văn đặc sắc, mềm mại, sinh động, hài hòa, tinh tế. Sản phẩm sập gỗ mỹ nghệ có giá phổ biến từ 30 đến 40 triệu đồng/chiếc; bộ bàn nghề mỹ nghệ dành cho phòng khách có giá phổ biến từ 25 đến 30 triệu đồng/bộ. Ở thị trấn Thanh Lãng hiện có trên 2.600 hộ dân thì có tới 90% hộ làm nghề mộc thường xuyên. Số hộ có thu nhập từ nghề mộc làm tại nhà 100 triệu đồng/hộ/năm trở lên chiếm tới 70-80%,  Điển hình như gia đình ông Lưu Văn Tiền ở tổ Minh Lương có xưởng mộc, thường xuyên giải quyết việc làm cho gần chục lao động, mỗi năm gia đình ông thu lời từ 300 đến 400 triệu đồng; gia đình anh Nguyễn Văn Thành ở tổ dân phố Độc Lập cũng có xưởng mộc thu lời từ làm nghề hàng trăm triệu đồng/năm. Có thể nói, sản phẩm gỗ của các làng nghề mộc đang hút hàng nhiều nhất, không riêng ở làng nghề mộc Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên mà các làng nghề mộc ở huyện Yên Lạc cũng sôi động không kém. Theo chị Hà, Chủ cơ sở mộc ở xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc thì năm 2017 chị xuất đi trên 6.000 chiếc giường nằm bằng gỗ, phần lớn bán ở thời điểm cuối năm vì đây là thời điểm người ta mau sắm để về nhà mới, chuẩn bị cho năm mới, mùa cưới lập gia đình của giới trẻ... Về làng rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, cũng vào thời điểm này, từ đầu làng cho đến cuối làng đều vang tiếng đe, tiếng búa, tiếng cưa, tiếng quạt lò bễ của những người thợ làm nghề rèn, những tia lửa từ các thanh sắt đỏ rực bắn lên, nghề rèn phát triển đã biến toàn thôn xóm thành một công xưởng cơ khí tất bật. Các lò rèn hối hả làm việc cho kịp mối hàng đặt, cho ra những sản phẩm như liềm, cuốc, đồ dùng gia đình như dao, búa, rìu... Sản phẩm mang thương hiệu rèn Bàn Mạch giờ đây không chỉ tiêu thụ rộng lớn khắp các tỉnh, thành trong nước mà đã vươn xa để xuất sang cả Lào, Campuchia, Trung Quốc... Hiện nay, cả thôn Bàn Mạch có 600/700 hộ sống bằng nghề rèn; trong đó, có hơn 100 hộ đầu tư trang bị máy móc, mở rộng quy mô lên xưởng sản xuất. Ngoài ra, làng rèn Bàn Mạch còn thu hút khoảng 1.200 đến 1.500 lao động từ các địa phương khác đến làm nghề, thu nhập của lao động làm thuê phổ biến từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Đối với những cơ sở sản xuất hộ gia đình có đầu tư búa máy, máy dập chuyên gia công phôi theo đơn đặt hàng, thu nhập phổ biến từ 40 đến 50 triệu đồng/cơ sở/tháng. Đó là chưa kể đến các cơ sở sản xuất của những gia đình đông nhân lực, các hộ liên kết đầu tư mua sắm nhiều máy móc, mặt bằng sản xuất rộng thu nhập lên tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Về làng nghề chăn, ga, gối, đệm ở xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc những ngày mùa đông lạnh giá như hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh buôn bán ở làng nghề trở nên sôi động lạ thường. Vào mỗi buổi sáng các loại ô tô, xe máy ra vào chở các sản phẩm của làng mang đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành khu vực miền Bắc. Từ làng nghề sản xuất thủ công lạc hậu, đến nay cả xã đã có hàng chục doanh nghiệp và cơ sở chuyên làm nghề và đã được đầu tư trang bị máy móc hiện đại để tạo sản phẩm tốt, có khả năng cạnh trang hàng hóa nước ngoài tràn ngập thị trường. Anh Nguyễn Công Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH tập đoàn Đông Sơn, bắt đầu sản xuất, kinh doanh chăn, ga, gối, đệm từ năm 1996. Đến năm 2011, anh mạnh dạn vay mượn trên 15 tỷ đồng mua 10.000 m2 đất xây dựng nhà xưởng, mua 4 máy trần thêu vi tính, 15 máy may công nghiệp của Đức và thành lập Công ty TNHH tập đoàn Đông Sơn. Từ đây, Công ty đã cho ra đời trên 50 mẫu sản phẩm chăn ga, gối đệm mang thương hiệu Eseun, 100% cotton solid nhập từ Hàn Quốc. Với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, nhất là thường xuyên tổ chức các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, khuyến mại giảm giá, các sản phẩm chăn ga, gối đệm của công ty được người tiêu dùng khắp các tỉnh, thành trong nước biết đến. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm, công ty sản xuất và tiêu thụ trên 30.000 sản phẩm, doanh thu đạt trên 40 tỷ đồng/năm, vào mùa sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Theo thống kê của UBND xã Yên Đồng, đến nay, nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm đã phát triển ở 8/8 thôn, với hơn 600 hộ làm nghề. Nếu như trước kia, các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh thì từ năm 2010 trở lại đây, các sản phẩm đã có mặt tại hầu khắp các tỉnh, thành miền Bắc và bước đầu đã vươn tới thị trường miền Nam. Vĩnh Phúc hiện có 25 làng nghề; trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới, thu hút khoảng 45.000 đến 50.000 lao động. Làng nghề có ưu thế huy động được già, trẻ, gái, trai làm nghề lúc nông nhàn, ngay cả các em học sinh cũng tranh thủ làm nghề bán thời gian. Những năm gần đây đa số các làng nghề ở Vĩnh Phúc đã đầu tư toàn diện để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường. Thu nhập của lao động phổ thông với những nghề như mộc, rèn phổ biến 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng và mây tre đan đạt 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, các làng nghề ở Vĩnh Phúc đã xuất hiện hàng trăm ông chủ, doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gia đình có thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Để tạo điều kiện cho các làng nghề trên địa bàn phát triển tốt hơn, ổn định hơn, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang có nhiều chính sách như hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động trẻ nông thôn; tăng cường các hoạt động khuyến công và giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề; quy hoạch đất đai để mở rộng làng nghề..
Nguyễn Trọng Lịch

Có thể bạn quan tâm