Nhiều hộ dân thôn Nà Đứa, xã Đà Vị, huyện Na Hang (Tuyên Quang) luôn sống trong tình trạng bất an, lo lắng vì sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ảnh: Văn Tý-TTXVN |
Những ngày này, gia đình anh Dương Ngọc Lâm, thôn Nà Đứa, xã Đà Vị, huyện Na Hang hằng đêm vẫn nơm nớp lo sợ. Mới trải qua những trận mưa lớn, ngôi nhà sàn của gia đình anh đã có hiện tượng xiêu vẹo, nền nhà có nhiều vết nứt lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Anh Dương cho biết, hiện nay, khu vực trong thôn đã xuất hiện nhiều vết nứt dài hàng trăm mét. Đặc biệt, vào mùa mưa, những vết nứt mới lại xuất hiện, có khi rộng 15 - 20cm, có nơi sâu đến hơn 1m. Các vết nứt này đi ngang qua nhà ở của nhiều hộ dân khiến nhà cửa bị xiêu vẹo, bà con nơm nớp lo sợ. Cứ trời mưa kéo dài liên tục là bà con lại dìu dắt nhau đi ở nhờ những gia đình xóm bên cạnh.
Mặc dù biết được nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng do hoàn cảnh gia đình có người ốm nặng nên gia đình bà Vi Thị Tuyền, thôn Nà Đứa, xã Đà Vị, huyện Na Hang buộc phải bám trụ trong ngôi nhà xiêu vẹo, phó mặc cho số phận. Bà Tuyền chia sẻ, đã 3 năm nay, ngôi nhà của gia đình bà liên tục xuất hiện những vết nứt, nền nhà nhiều chỗ sụt lún nghiêm trọng. Đặc biệt, những lúc trời mưa thì vết nứt càng ngày càng lớn. Dù biết những lúc trời mưa gió khả năng xảy ra sạt lở là rất lớn nhưng do trong gia đình có người ốm nặng nên buộc phải bám trụ ở đây. Mong muốn của bà là được chính quyền, các cơ quan cấp trên hỗ trợ để gia đình sớm chuyển đến nơi ở mới an toàn, ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất.
Đà Vị là xã miền núi có địa hình núi đồi chia cắt, trong khi đó những năm gần đây thời tiết diễn biến phức tạp khiến nguy cơ sạt lở đất đá rất cao. Năm 2017, các đợt mưa kéo dài liên tiếp xảy ra khiến cho nguy cơ sạt lở trở nên thường xuyên hơn. Tại địa bàn thôn Nà Đứa xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài hàng trăm mét, khiến nhiều nhà dân xiêu vẹo. Tháng 4/2018, mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất đá buộc 7 hộ trong tổng số 31 hộ ở đây phải sơ tán khẩn cấp về các lều bạt ở tạm.
Điểm Trường Tiểu học Nà Đứa cũng xuất hiện những vết nứt, sụt lún buộc các em phải chuyển về học ở các địa điểm mới cách nơi cũ khoảng 4km. Ảnh: Văn Tý-TTXVN |
Theo bà Hoàng Thị Dung, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nà Đứa, xã Đà Vị, sau những trận mưa giữa năm 2017, toàn thôn có 31 hộ đều nằm trên cung trượt, sạt rất nguy hiểm. Điểm Trường mầm non - tiểu học Nà Đứa xuất hiện những vết nứt, sụt lún. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, UBND xã đã quyết định chuyển các em về các địa điểm mới cách nơi cũ khoảng 4km. Mặc dù về địa điểm mới việc đi học sẽ vất vả và tốn kém hơn nhiều nhưng để an toàn cho các em, người dân đều ủng hộ. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho bà con, trong khi chờ sự hỗ trợ của cấp trên, thôn và xã cũng đã họp nhiều lần và thống nhất với phương án nếu trời mưa to và kéo dài thì các hộ có nguy cơ sạt lở cao sẽ đến ở ghép với các hộ thuộc khu vực an toàn trong thôn.
Ông Tô Hưng Khánh, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết, trước tình hình sạt lở nghiêm trọng ở thôn Nà Đứa, lãnh đạo huyện Na Hang cùng với lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần trực tiếp đến khảo sát thực tế. Hiện nay, huyện Na Hang đã có phương án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm với số vốn trên 8 tỷ đồng, cụ thể 31 hộ dân với 138 khẩu sẽ được di chuyển về một địa điểm an toàn thuộc xã Đà Vị. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn nên dự án chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương thực hiện.
Để đảm bảo tính mạng và tài sản người dân, trong khi chờ nguồn vốn từ cấp trên, UBND huyện đã giao các đơn vị liên quan, trong đó có Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã Đà Vị trực tiếp theo dõi, nắm bắt tình hình và có chế độ báo cáo kịp thời. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi có mưa lớn, nguy cơ sạt lở đất xảy ra, cần chủ động nhanh chóng di dời đến khu vực an toàn hơn.
Ngôi nhà bà Vi Thị Lợi, thôn Nà Đứa, xã Đà Vị, huyện Na Hang (Tuyên Quang) bị sạt lở nên những lúc trời mưa lớn, gia đình này phải sang ở ghép với nhà hàng xóm để lánh nạn. Ảnh: Văn Tý-TTXVN |
Để đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân, các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang cần sớm bố trí nguồn vốn di dời khẩn cấp các hộ dân trên ra vùng nguy hiểm, để người dân sớm ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.
Nguyễn Văn Tý