CEO Apple Tim Cook và Giám đốc FBI James Comey.
|
Phát biểu trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ ngày 1/3, Giám đốc FBI James Comey nhấn mạnh công việc thực thi pháp luật có thể bị hủy hoại do những "không gian bảo vệ bằng chứng" mà các điều tra viên không thể tiếp cận được. Theo ông Comey, công nghệ không được phép cản trở pháp luật, bảo vệ các bằng chứng của tội ác trong những tình huống các đặc vụ của chính phủ được trao quyền thích hợp. Lãnh đạo FBI tuyên bố những công cụ mà lực lượng an ninh sử dụng để bảo vệ người dân mất dần hiệu quả. Ông đồng thời nhấn mạnh việc buộc Apple "bẻ khóa" iPhone của một trong các nghi can thực hiện vụ xả súng có thể trở thành tiền lệ cho các cuộc điều tra khác và đây là cách pháp luật vận hành. Đáp lại, luật sư của Apple Bruce Sewell nhấn mạnh công chúng cần hiểu rằng "mã hóa là một điều tốt đẹp, một điều cần thiết" thậm chí ngay cả khi điều này có thể khiến việc thực thi pháp luật trở nên khó khăn hơn. Luật sư Sewell cũng tiết lộ rằng giới chức đang yêu cầu Apple phát triển một công cụ để giải mã bất kỳ chiếc iPhone nào thậm chí với mã hóa tối tân hơn. Theo Apple, điều này sẽ khiến người dùng dễ bị tin tặc tấn công và chính phủ giám sát. Tranh cãi về vấn đề mã hóa các thiết bị thông minh bùng lên sau khi hãng Apple đệ đơn phản đối lệnh của một tòa án Mỹ yêu cầu hỗ trợ FBI "bẻ khóa" một điện thoại thông minh của hãng này được sử dụng trong vụ tấn công tại thành phố San Bernardino, bang California. FBI đề nghị Apple giúp hủy chức năng tự xóa dữ liệu trên chiếc iPhone nhằm lấy thông tin từ thiết bị trên sau nhiều nỗ lực phá mật không thành. Vụ việc đã thổi bùng lên hai ý kiến trái chiều. Một khảo sát do hãng nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy 51% người dân Mỹ ủng hộ những nỗ lực pháp lý của chính quyền Washington nhằm buộc Apple mở khóa chiếc iPhone, trong khi tỷ lệ ủng hộ “gã khổng lồ” công nghệ này là 39%. Nhiều hãng công nghệ Mỹ - gồm Google, Facebook và Twitter - đã lên tiếng ủng hộ Apple trong cuộc chiến pháp lý với FBI.