COVID-19: Quyết liệt nhận diện và ngăn chặn tin giả

COVID-19: Quyết liệt nhận diện và ngăn chặn tin giả

Việc thông tin sai sự thật về các ca bệnh, về vacine và về tình trạng phong tỏa liên quan đến COVID-19 gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù từ 2-7 năm. Do đó, mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo thận trọng khi tiếp nhận cũng như chia sẻ thông tin trên không gian mạng.

Tăng cường giám sát, ngăn chặn tin giả

Những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm quyền được thông tin của công dân. Điều này đã và đang góp phần xây dựng một xã hội cởi mở hơn về thông tin và một chính phủ công khai, minh bạch hơn, đồng thời khẳng định quyền làm chủ của nhân dân về thực chất. Tuy nhiên, đã có không ít đối tượng lạm dụng, thậm chí là cố tình lợi dụng quyền này để tung tin sai sự thật, đặc biệt là trong những đợt dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Theo thống kê của các lực lượng chức năng, năm 2020, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm trên mạng xã hội về đưa tin sai, bịa đặt về tình hình dịch COVID-19 ở nước ta.

Ở đợt dịch thứ 4 này, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong nhận thức cộng đồng nên vấn nạn tin giả không nghiêm trọng như năm trước. Bên cạnh đó, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã liên tục công bố các thông tin giả mạo trên website tingia.gov.vn, trong đó số lượng công bố tin giả về "Dịch bệnh" và "Tài khoản giả mạo" nhiều nhất. Điều này cho thấy, các giải pháp kỹ thuật đang hỗ trợ rất nhiều cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giảm bớt tin giả, tin xấu độc trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, tin giả trên không gian mạng lại có dấu hiệu gia tăng. Chỉ trong vòng vài ngày qua, hàng loạt cá nhân đã bị xử phạt, thậm chí bị xử lý hình sự. Điển hình như: ngày 6/5, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xử phạt quản trị viên fanpage Thừa Thiên-Huế là Lê Quang H. 5 triệu đồng về hành vi đăng thông tin các ca lây nhiễm COVID-19 không có địa điểm, địa chỉ cụ thể, rõ ràng gây hoang mang cho cộng đồng; ngày 10/5, Công an thành phố Hà Nội phạt 12,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bài viết đối với T.V.D. (sinh năm 1982, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) vì hành vi sử dụng tài khoản Facebook có tên "Hà Nội phố" để đăng tin "Hà Nội phố thông thoáng trong ngày đầu phong tỏa", gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo chống dịch COVID-19; ngày 13/5, Công an tỉnh Quảng Bình xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hồ Thị Minh H. và ông Nguyễn Xuân N. về hành vi đưa tin không chính xác về tình hình dịch COVID-19 sau khi công bố dịch...

Việc bịa đặt thông tin về các ca bệnh, về vacine, về tình trạng phong tỏa và thậm chí là trích dẫn sai lệch về các chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch bệnh, đã và đang làm cho cuộc chiến chống COVID-19 của cả hệ thống chính trị, đang trong thời điểm cam go nhất, trở nên phức tạp thêm.

Theo các cơ quan chức năng, tung tin giả một phần do người dùng mạng xã hội thiếu kiến thức pháp luật, thiếu cẩn trọng khi tạo và đưa tin trên các phương tiện truyền thông, vô tư chia sẻ thông tin không kiểm chứng nguồn gốc và tính chính xác của thông tin. Một mặt do người dùng mạng xã hội phần nào thiếu trách nhiệm, muốn nổi tiếng hay “câu like” (thích)… Song cũng không loại trừ khả năng: tung tin giả là chiêu bài có kịch bản của các thế lực thù địch là tạo bất ổn trật tự xã hội, gây khó khăn và phá hoại các nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân.

Thời gian tới, Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường, Phó Trưởng phòng 3, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết, Cục sẽ tiếp tục tăng cường giám sát thông tin trên không gian mạng để kịp thời phát hiện thông tin sai lệch, nhất là về dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, mạng xã hội và nội dung số trong nước, đặc biệt là mạng xã hội xuyên biên giới để nâng cao hơn nữa việc ngăn chặn, vô hiệu hóa tin giả.

Người dân cần tỉnh táo, thận trọng khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin

Hệ lụy từ tin giả là vô cùng nghiêm trọng. Chính vì thế, việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không đăng tải, bình luận những thông tin bịa đặt, xuyên tạc sai sự thật dưới bất cứ hình thức nào. Khi tiếp nhận thông tin, nhất là trên mạng xã hội, cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, thận trọng kiểm chứng nguồn tin để không trở thành nạn nhân của tin giả.

Cùng với việc nâng cao nhận thức của người sử dụng để không đăng tải hoặc chia sẻ thông tin không đúng sự thật trên các trang mạng xã hội, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam cho rằng, bất cứ khi nào người sử dụng nghi ngờ về các thông tin trên mạng đều có thể gọi điện đến đầu số 1800 8108, để được hướng dẫn. Sau khi xác minh, trang web tingia.gov.vn sẽ gắn nhãn tin giả.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử có nhiệm vụ phát hiện thẩm định, gắn nhãn tin giả, công bố thông tin xác thực, tin giả, tin sai sự thật trên trang tingia.gov.vn. Trung tâm rất cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất đồng bộ của các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí, để thẩm định thông tin, công bố tin giả, lan tỏa sự thật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin xấu độc, xây dựng môi trường mạng trong sạch, bình yên cho mọi người.

Do đó, phản ánh trực tuyến của người sử dụng trên trang tingia.gov.vn và đầu số 1800 8108 là nguồn thông tin đặc biệt quan trọng, giúp cơ quan chức năng nhanh chóng tiếp nhận, thẩm định và công bố các tin sai sự thật.

Ngoài ra, người dân khi tham gia mạng xã hội cũng nên tìm hiểu kỹ các văn bản pháp luật về các quy định liên quan, bao gồm quy định về các chế tài xử phạt đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc.

Một số mức xử phạt đối với hành vi thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về dịch bệnh COVID-19 trên mạng xã hội:

- Theo điểm a, d khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NÐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử), đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch COVID-19 hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt về tình hình dịch COVID-19, gây hoang mang trong nhân dân thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

- Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet với mức phạt tù từ 2-7 năm.

Minh Hiếu (tổng hợp)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm