Công nhận Linga vàng là bảo vật quốc gia và khai hội Katê năm 2024

Sáng 2/10, tại di tích tháp Pô Sah Inư, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đã diễn ra Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đối với Linga vàng Bình Thuận và Khai mạc Lễ hội Katê năm 2024.

vna_potal_binh_thuan_khai_mac_le_hoi_kate_2024_va_cong_bo_bao_vat_quoc_gia_linga_vang_7628450.jpg
Bảo vật quốc gia Linga vàng của tỉnh Bình Thuận có niên đại khoảng thế kỷ VIII - IX, là hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, có hình thức độc đáo, có giá trị về lịch sử, văn hoá, thẩm mỹ. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Võ Thành Huy cho biết, Linga vàng được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ tại khuôn viên Khu di tích tháp Po Dam (thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1996). Bảo vật quốc gia Linga vàng của tỉnh Bình Thuận có niên đại khoảng thế kỷ VIII- IX, là hiện vật gốc độc bản, quý hiếm, có hình thức độc đáo; có giá trị về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ; là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở của vạn vật và muôn loài. Linga vàng được chế tác rất đặc biệt, có trọng lượng 78,36 gram với tỉ lệ vàng ròng chiếm 90,4%; 9,6% còn lại là bạc và đồng.

Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh khẳng định, Bảo vật quốc gia Linga vàng có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề về văn hóa - lịch sử liên quan đến di tích Po Dam nói riêng và văn hóa Chăm nói chung. Đây là tư liệu khoa học quan trọng không chỉ đối với khảo cổ học, mà còn có giá trị lớn đối với nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, tôn giáo, kỹ thuật luyện kim, nghề kim hoàn… của cộng đồng người Chăm trước đây.

vna_potal_binh_thuan_khai_mac_le_hoi_kate_2024_va_cong_bo_bao_vat_quoc_gia_linga_vang_7628437.jpg
Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật quốc gia đối với Linga vàng Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
vna_potal_binh_thuan_khai_mac_le_hoi_kate_2024_va_cong_bo_bao_vat_quoc_gia_linga_vang_7628446.jpg
Tặng Bằng khen của UBND tỉnh Bình Thuận cho các đơn vị tìm ra bảo vật Linga vàng. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
vna_potal_binh_thuan_khai_mac_le_hoi_kate_2024_va_cong_bo_bao_vat_quoc_gia_linga_vang_7628442.jpg
Tặng Bằng khen của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho các đơn vị xây dựng Hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với Linga vàng. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
vna_potal_binh_thuan_khai_mac_le_hoi_kate_2024_va_cong_bo_bao_vat_quoc_gia_linga_vang_7628436.jpg
UBND tỉnh Bình Thuận tặng quà đồng bào Chăm nhân Lễ hội Katê 2024. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Việc đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia đã góp phần làm cho Lễ hội Katê (Tết Katê) năm nay thêm phần trang trọng, sôi nổi với niềm vui mừng, hân hoan của cộng đồng người Chăm ở Bình Thuận. Ngay sau phần khai mạc, Lễ hội Katê bước vào nghi thức quan trọng nhất là lễ nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư.

vna_potal_binh_thuan_khai_mac_le_hoi_kate_va_cong_bo_bao_vat_quoc_gia_linga_vang_7628422.jpg
Nghi thức tắm bệ thờ Linga – Yoni và mặc trang phục bệ thờ Linga – Yoni trên tháp chính Pô Sah Inư, thành phố Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Bên cạnh vẻ đẹp uy nghi, cổ kính của ngôi tháp Pô Sah Inư, những chàng trai, cô gái người Chăm nhịp nhàng múa điệu múa dân tộc uyển chuyển trong tiếng trống Paranưng rộn ràng và tiếng kèn Saranai réo rắt. Dòng người rước y trang Nữ thần kéo dài từ sân lễ đến tháp chính. Tiếp nối là các nghi thức của phần lễ như: mở cửa tháp chính, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục, đại lễ cúng mừng Katê tại tháp chính… Phần hội diễn ra rộn ràng với các trò chơi dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống của dân tộc Chăm như: trang trí Thôn-la; làm bánh gừng…

vna_potal_binh_thuan_khai_mac_le_hoi_kate_va_cong_bo_bao_vat_quoc_gia_linga_vang_7628416.jpg
Nghi thức hát múa mừng Lễ hội Katê 2024 trên tháp chính Pô Sah Inư, thành phố Phan Thiết. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Chăm, Lễ hội Katê năm 2024 thu hút đông đảo người dân và du khách đến vui chơi cũng như nghiên cứu, thưởng thức văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm, nhất là các hoạt động trong phần hội.

vna_potal_binh_thuan_khai_mac_le_hoi_kate_va_cong_bo_bao_vat_quoc_gia_linga_vang_7628420.jpg
vna_potal_binh_thuan_khai_mac_le_hoi_kate_2024_va_cong_bo_bao_vat_quoc_gia_linga_vang_7628427.jpg
Nghi thức múa mừng Lễ hội Katê 2024 và Nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Lễ hội Katê năm nay diễn ra trong 2 ngày 1- 2/10. Đây là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bà la môn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng thuận lợi, cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật. Lễ hội Katê phản ánh sâu sắc những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng người Chăm; có quá trình hình thành, tồn tại từ lâu đời trong lịch sử và được duy trì cho đến ngày nay. Với ý nghĩa văn hóa - lịch sử quan trọng, Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Đồng bào Chăm ở Bình Thuận hiện có trên 40.000 người, sinh sống tập trung tại các huyện như: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, Tánh Linh… Những năm gần đây, đời sống của đồng bào Chăm có nhiều khởi sắc nên việc tổ chức đón Lễ hội Katê cũng sung túc hơn. Tại các địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống đều tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao…

Dịp này, tỉnh Bình Thuận cũng tổ chức các đoàn thăm hỏi, chúc Tết Katê đến các vị chức sắc, các gia đình chính sách, người có uy tín tiêu biểu, chúc đồng bào Chăm hưởng một mùa Katê thật vui tươi, an lành và hạnh phúc.

Hồng Hiếu

(TTXVN)
Dân tộc Chăm Dân tộc Chăm

Tên gọi khác: Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Chăm Pa, Hời...

Nhóm địa phương: Chăm Hroi, Chăm Poổng, Chà Và Ku, Chăm Châu Ðốc.

Dân số: 161.729 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).

Ngôn ngữ: Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô - Polynéxia (ngữ hệ Nam Ðảo).

Lịch sử: Dân tộc Chăm vốn sinh tụ ở duyên hải miền Trung Việt Nam từ rất lâu đời, đã từng kiến tạo nên một nền văn hoá rực rỡ với ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá Ấn Ðộ. Ngay từ những thế kỉ thứ XVII, người Chăm đã từng xây dựng nên vương quốc Chăm pa. Hiện tại cư dân gồm có hai bộ phận chính: Bộ phận cư trú ở Ninh ThuậnBình Thuận chủ yếu theo đạo Bà la môn (một bộ phận nhỏ người Chăm ở đây theo đạo Islam truyền thống gọi là người Chăm Bà ni). Bộ phận cư trú ở một số địa phương thuộc các tỉnh Châu Ðốc, Tây Ninh, An Giang, Ðồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh theo đạo Islam (Hồi giáo) mới.

Hoạt động sản xuất: Người Chăm có truyền thống nông nghiệp ruộng nước, giỏi làm thuỷ lợi và làm vườn trồng cây ăn trái. Bên cạnh việc làm ruộng nước vẫn tồn tại loại hình ruộng khô một vụ trên sườn núi. Bộ phận người Chăm ở Nam Bộ lại sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, dệt thủ công và buôn bán nhỏ, nghề nông chỉ là thứ yếu.

Nghề thủ công phát triển ở vùng Chăm nổi tiếng là dệt lụa tơ tằm và nghề gốm nặn tay, nung trên các lò lộ thiên. Việc buôn bán với các dân tộc láng giềng đã xuất hiện từ xưa. Vùng duyên hải miền Trung đã từng là nơi hoạt động của những đội hải thuyền nổi tiếng trong lịch sử.

Ăn: Người Chăm ăn cơm, gạo được nấu trong những nồi đất nung lớn, nhỏ. Thức ăn gồm cá, thịt, rau củ, do săn bắt, hái lượm và chăn nuôi, trồng trọt đem lại. Thức uống có rượu cần và rượu gạo. Tục ăn trầu cau rất phổ biến trong sinh hoạt và trong các lễ nghi phong tục cổ truyền.

Mặc: Nam nữ đều quấn váy tấm. Ðàn ông mặc áo cánh ngắn xẻ ngực cài khuy. Ðàn bà mặc áo dài chui đầu. Màu chủ đạo trên y phục là màu trắng của vải sợi bông. Ngày nay, trong sinh hoạt hằng ngày, người Chăm ăn mặc như người Việt ở miền Trung, chỉ có chiếc áo dài chui đầu là còn thấy xuất hiện trong giới nữ cao niên.

Vào dịp lễ Ramưwan, nam nữ người Chăm thường khoác lên mình trang phục truyền thống với nhiều sắc màu thể hiện bản sắc riêng của cộng đồng người Chăm. Ảnh Nguyễn Thanh.jpg
Vào dịp lễ Ramưwan, nam nữ người Chăm thường khoác lên mình trang phục truyền thống với nhiều sắc màu thể hiện bản sắc riêng của cộng đồng người Chăm. Ảnh Nguyễn Thanh

: Người Chăm cư trú tại Ninh Thuận, Bình Thuận, ở nhà đất (nhà trệt). Mỗi gia đình có những ngôi nhà được xây cất gần nhau theo một trật tự gồm: nhà khách, nhà của cha mẹ và các con nhỏ tuổi, nhà của các cô gái đã lập gia đình, nhà bếp và nhà tục trong đó có kho thóc, buồng tân hôn và là chỗ ở của vợ chồng cô gái út.

Phương tiện vận chuyển: Chủ yếu và thường xuyên vẫn là cái gùi cõng trên lưng. Cư dân Chăm cũng là những người thợ đóng thuyền có kỹ thuật cao để hoạt động trên sông và biển. Họ làm ra những chiếc xe bò kéo, trâu kéo có trọng tải khá lớn để vận chuyển trên bộ.

Quan hệ xã hội: Gia đình người Chăm mang truyền thống mẫu hệ, mặc dù xã hội Chăm trước đây là xã hội đẳng cấp, phong kiến. Ở những vùng theo Hồi giáo Islam, tuy gia đình đã chuyển sang phụ hệ, vai trò nam giới được đề cao, nhưng những tập quán mẫu hệ vẫn tồn tại khá đậm nét trong quan hệ gia đình, dòng họ với việc thờ cúng tổ tiên. Cư dân Chăm vốn được phân thành hai thị tộc: Cau và Dừa như hai hệ dòng Niê và Mlô ở dân tộc Ê đê. Về sau thị tộc Cau biến thành tầng lớp của những người bình dân, trong khi thị tộc Dừa trở thành tầng lớp của quý tộc và tăng lữ. Dưới thị tộc là các dòng họ theo huyết hệ mẹ, đứng đầu là một người đàn bà thuộc dòng con út. Mỗi dòng họ lại có nhiều chi họ. Xã hội cổ truyền Chăm được phân thành các đẳng cấp như xã hội Ấn Ðộ cổ đại. Họ có những vùng cư trú riêng và có những ngăn cách rõ rệt: không được thiết lập quan hệ hôn nhân, không sống cùng một xóm, không ăn cùng một mâm...

Cưới xin: Phụ nữ chủ động trong quan hệ luyến ái. Hôn nhân cư trú phía nhà vợ, con sinh ra đều theo họ mẹ. Sính lễ do nhà gái lo liệu. Gia đình một vợ một chồng là nguyên tắc trong hôn nhân.

Ma chay: Người Chăm có hai hình thức đưa người chết về thế giới bên kia là thổ táng và hoả táng. Nhóm cư dân theo đạo Bà la môn thường hoả táng theo giáo luật, còn các nhóm cư dân khác thì thổ táng. Những người trong cùng một dòng họ thì được chôn cất cùng một nơi theo huyết hệ mẹ. 

Nhà mới: Người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận khi dựng nhà mới phải thực hiện một số nghi lễ cúng thần như: cúng Thổ thần để đốn gỗ tại rừng. Khi gỗ vận chuyển về làng phải làm lễ đón cây. Lễ phạt mộc được tổ chức để khởi công cho việc xây cất ngôi nhà. 

Lễ tết: Người ta thực hiện nhiều nghi lễ nông nghiệp trong một chu kỳ năm như: lễ khai mương đắp đập, lễ hạ điền, lễ mừng lúa con, lễ mừng lúa ra đòng. Nhưng lễ lớn nhất vẫn là lễ Bon katê được tổ chức linh đình tại các đền tháp vào giữa tháng mười âm lịch.

Lịch: Người Chăm có nông lịch cổ truyền tính theo lịch âm.

Học: Dân tộc Chăm có chữ từ rất sớm. Hiện tồn tại nhiều bia kí, kinh bằng chữ Chăm. Chữ Chăm được sáng tạo dựa vào hệ thống văn tự Sascrit, nhưng việc sử dụng chữ này còn rất hạn hẹp trong tầng lớp tăng lữ và quý tộc xưa. Việc học hành, truyền nghề, vẫn chủ yếu là truyền khẩu và bắt chước, làm theo. 

Văn nghệ: Nhạc cụ Chăm nổi bật có trống mặt da Paranưng, trống vỗ, kèn xaranai. Nền dân ca - nhạc cổ Chăm đã để lại nhiều ảnh hưởng đến dân ca - nhạc cổ của người Việt ở miền Trung như trống cơm, nhạc nam ai, ca hò Huế... Dân vũ Chăm được thấy trong các ngày hội Bon katê diễn ra tại các đền tháp. 

Thiếu nữ Chăm biểu diễn điệu múa truyền thống trong lễ hội Katê. Ảnh Nguyễn Thanh.jpg
Thiếu nữ Chăm biểu diễn điệu múa truyền thống trong lễ hội Katê. Ảnh Nguyễn Thanh

Chơi: Trẻ em thích đánh cù và thả diều, đánh trận giả, thi cướp cờ, chơi trò bịt mắt bắt dê.  

Theo cema.gov.vn

Có thể bạn quan tâm