Cơ cấu lại hệ thống đại học, cao đẳng để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực

Cơ cấu lại hệ thống đại học, cao đẳng để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực

* Sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học là cần thiết 

Khi đề cập đến nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, đại diện của nhiều trường đều thống nhất cho rằng: Sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học là rất cần thiết, gắn với đó là quy hoạch sắp xếp hệ thống ngành nghề, tập trung vào những ngành trọng điểm, tránh việc đào tạo trùng lặp, phân tán nguồn lực giữa các trường đại học, cao đẳng. 

Trao đổi về việc cơ cấu lại hệ thống đại học, cao đẳng, PGs.Ts. Phạm Quang Liêm, Phó Giám đốc Học viện Tài chính nhấn mạnh, đây là vấn đề cần được lưu tâm; đặc biệt là quy hoạch lại ngành nghề đào tạo trong các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng. Trong thời gian vừa qua, các trường đại học, cao đẳng đào tạo theo hướng đa ngành nên các trường mở ra rất nhiều ngành. Khi một trường tiềm lực chưa đủ mạnh đã mở ra rất nhiều ngành thì khó có được đội ngũ giảng viên giỏi, chuyên sâu; khó đảm bảo được chất lượng đào tạo tốt. Từ đó dẫn đến tình trạng, khi xã hội tiếp nhận sản phẩm đào tạo của các trường vẫn phải đào tạo lại. Theo PGS Phạm Quang Liêm, về phía quản lý nhà nước, việc “xốc lại” các ngành đào tạo của các cơ sở đào tạo cần được chú trọng giải quyết.
Vì nếu không, các trường sẽ khó đi vào chuyên sâu để nâng cao chất lượng đào tạo; nâng cao đội ngũ giáo viên; khẳng định sản phẩm đào tạo tốt. 

Đưa ra dẫn chứng cụ thể về các chuyên ngành đào tạo y dược, Gs.Ts. Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ chia sẻ: Tình hình thành lập các trường có đào tạo lĩnh vực y, dược tăng mạnh trong thời gian ngắn gần đây gây nên tình trạng nhiều sinh viên lĩnh vực này ra trường thất nghiệp. Thực tế có bệnh viện tuyển 3 chỉ tiêu nhưng có đến 40 ứng viên đăng ký… Nếu tiếp tục đào tạo nhiều như hiện nay, đến năm 2020, bác sĩ sẽ khó xin việc làm phù hợp. Trong khi đó, số bác sĩ của 5 chuyên ngành hiếm (lao, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, phong) ở Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu trầm trọng. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần quan tâm và có chủ trương để tạo điều kiện mở rộng đào tạo nhân lực những chuyên ngành đang thiếu, hạn chế những chuyên ngành đang dư thừa. 

Cùng quan điểm với đại diện nhiều trường, GS.TS Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cũng kiến nghị: cần khẩn trương tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học; trong đó, tăng cường kiểm soát quy mô đào tạo của các trường. Đặc biệt, xem xét, tái cấu trúc lại hệ thống các trường đại học liên quan đến đào tạo sư phạm; đẩy mạnh mô hình đào tạo theo nhu cầu thị trường, đồng thời xây dựng chính sách học phí phù hợp. 

PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ cũng bày tỏ đồng tình với chủ trương cơ cấu lại các trường đại học, cao đẳng. Vì trong giai đoạn hiện nay, cần đầu tư trường đại học quy mô lớn, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, vùng Tây Nam bộ vẫn chưa thoát khỏi “vùng trũng” giáo dục, hiện nay tỷ lệ sinh viên/vạn dân của vùng còn rất thấp trong khi Đồng bằng sông Cửu Long đang rất cần nhân lực kỹ thuật. Do đó, khi tiến hành cơ cấu lại các trường, các bộ, ngành cần quan tâm đến khu vực này. 

Giờ học múa dân tộc của sinh viên khoa Văn hóa trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: TTXVN
Giờ học múa dân tộc của sinh viên khoa Văn hóa trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: TTXVN


Theo ý kiến của PGS.TS Đỗ Văn Xê, các trường đại học lớn nên mở phân hiệu tại Đồng bằng sông Cửu Long để đào tạo, tránh mở thêm các trường đại học mới. Song song với đó là đầu tư đào tạo đội ngũ giảng viên cho các trường đại học, cao đẳng vùng Đồng bằng sông Cửu Long để đáp ứng yêu cầu. 

* Hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh giáo dục đại học 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết: Trong năm 2015 -2016, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật điều chỉnh giáo dục đại học; hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung trình độ quốc gia và chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Bộ cũng sẽ điều chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với các quy định mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp, căn cứ trên thực tế nhu cầu học tập của người dân và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước; trong đó chú trọng quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm, các trường Đại học Sư phạm trọng điểm. Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển đổi các trường đại học dân lập sang mô hình tư thục theo quy định của Luật Giáo dục đại học; hạn chế tối đa việc nâng cấp và thành lập mới các trường đại học, cao đẳng công lập. 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng chia sẻ: Trong bối cảnh một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp ở các địa phương gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các bộ, ngành, UBND các địa phương có cơ sở đào tạo trực thuộc cơ cấu lại hệ thống các trường (chuyển đổi ngành đào tạo, giải thể, sáp nhập, chuyển cơ sở đào tạo thành phân hiệu các trường đại học có uy tín…) để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư và đội ngũ giảng viên, giảm thiểu các cơ sở không đảm bảo chất lượng, góp phần đào tạo nhân lực có chất lượng và phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới./. 


Có thể bạn quan tâm