Nói đến bậc học Mầm non, mọi người thường nghĩ đến hình ảnh các cô giáo hát hay, múa dẻo nhưng tại những điểm trường vùng cao xứ Thanh, ở chính lớp học Mầm non ấy còn có bóng dáng của những người thầy đang từng ngày chăm sóc, nuôi dưỡng cho thế hệ măng non từ bữa ăn, giấc ngủ, dạy cho các em lời ca tiếng hát.
Vượt những cung đường rừng núi ngoằn nghèo, hiểm trở, phóng viên đến Trường Mầm non Thanh Quân, huyện Như Xuân khi các thầy cô trong trường đang thi đua lập thành tích chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhà trường hiện có 36 cán bộ giáo viên, trong đó 4 giáo viên là nam giới. Mặc dù đặc thù giáo viên Mầm non cần sự khéo léo, mềm dẻo, linh hoạt, nhưng với lòng yêu nghề, yêu trẻ, những năm qua, các thầy giáo đã nỗ lực khắc phục những khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được học sinh tin yêu.
Đã 27 năm kể từ khi thầy Vi Văn Dương bước chân vào nghề giáo và cũng ngần ấy năm thầy gắn bó với Trường Mầm non Thanh Quân, huyện Như Xuân. Cuộc sống nơi xã nghèo vùng cao nay có nhiều đổi khác, nhưng tình cảm mà những thế hệ trẻ Mầm non dành cho người thầy tận tụy này vẫn vẹn nguyên. Không chỉ dạy chữ, thầy Dương còn hát hay, múa giỏi chẳng kém những đồng nghiệp nữ. Lớp học của thầy giáo Dương lúc nào cũng rộn rã tiếng cười vui.
Chia sẻ về hành trình 27 năm gắn bó với học sinh Mầm non, thầy Dương cho biết, năm 1996, sau khi tốt nghiệp Trung cấp ngành Sư phạm Mầm non, thầy xin dạy hợp đồng tại Trường Mầm non xã Thanh Quân. Thời điểm đầu thầy gặp rất nhiều khó khăn, không có lương, chỉ được hỗ trợ mấy chục kg gạo/tháng; đường đi lại xa xôi, hiểm trở, đặc biệt là đường lên các điểm lẻ. Nhiều giáo viên đến nhận công tác một thời gian cũng phải xin về hoặc chuyển nghề khác. Tuy nhiên với lòng yêu trẻ, thầy Dương nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để gắn bó với những “mầm non” nơi đây.
“Cũng có lần vì miếng cơm manh áo, tôi muốn bỏ nghề nhưng rồi tình yêu những đứa trẻ đã níu chân tôi ở lại. Những ngày đầu nhận công tác ai cũng thấy ngại ngùng vì phải tập múa, tập hát để về dạy cho các em nhỏ, nhưng thấy trẻ nhỏ quê mình còn nhiều thiệt thòi, hơn nữa được sự động viên của các cô giáo, dần dần tôi thấy yêu công việc và gắn bó tới giờ” - thầy Dương tâm sự.
Ngoài thầy Dương, Trường Mầm non Thanh Quân còn có 3 giáo viên nam khác, đó là các thầy Vi Văn Tiến, Hoàng Văn Tình, Lương Văn Cường. Hiểu được nỗi vất vả của bà con và cả khao khát được đến trường của con trẻ vùng khó, các thầy luôn nỗ lực trong công tác dạy học, tự tay chăm sóc các bé từng bữa ăn, giấc ngủ, tranh thủ thời gian rảnh làm đồ chơi cho các con, soạn giáo án… Mỗi ngày trôi qua, các thầy càng yêu mến trẻ và gắn bó với nghề hơn.
Cô Lương Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Quân cho biết, trên địa bàn huyện miền núi Như Xuân hiện có 7 giáo viên nam, trong đó Trường Mầm non Thanh Quân có tới 4 thầy giáo đang trực tiếp chăm sóc, giảng dạy. Họ đều có thâm niên gần 30 năm công tác ở trường. Việc nuôi dạy trẻ mầm non đối với giáo viên nữ đã vất vả nhưng đối với giáo viên nam còn khó khăn gấp nhiều lần trong việc dỗ dành, múa hát, cho trẻ ăn uống, vệ sinh... Tuy nhiên, với lòng yêu trẻ, tâm huyết với nghề, các thầy càng cố gắng hơn để nâng cao chuyên môn của mình. Ngoài công tác giảng dạy, các thầy giáo Mầm non còn giúp nhà trường rất nhiều việc nặng nhọc mà phụ nữ không làm được như sửa sang lại phòng học, treo băng rôn, khẩu hiệu, cuốc đất trồng rau... Nhờ có bàn tay của các thầy những hoạt động ngoại khóa của nhà trường có nhiều thuận lợi hơn.
17 năm công tác trong ngành, giờ đây với cương vị Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa), thầy giáo Trịnh Hồng Quân vẫn miệt mài cống hiến cho sự nghiệp nuôi dạy trẻ ở vùng đại ngàn Pù Luông - nơi có những đứa trẻ đặc biệt khó khăn.
Theo thầy Quân, Trường Mầm non Thành Sơn (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) hiện có 136 trẻ, 21 cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó, có 3 thầy giáo, gồm: Trịnh Hồng Quân, Bùi Văn Bông và Ngân Văn Tùng. Ngôi trường vùng khó ấy có 5 điểm, trong đó 4 điểm lẻ là Khu Eo Kén, Tà Ban, Kho Mường, Pù Luông và điểm trường chính ở bản Bán. Mặc dù, có rất nhiều khó khăn, song nhà trường vẫn tổ chức ăn bán trú từ năm 2014 đến nay. Mỗi ngày, có khoảng 50 - 60 trẻ tham gia ăn bán trú tại điểm trường chính và khu lẻ Pù Luông. Hàng ngày, đến bữa ăn trưa, các thầy giáo dùng xe máy chở cơm vào điểm lẻ Pù Luông.
Nhớ lại cơ duyên vào nghề của mình, thầy Quân kể: Tốt nghiệp khoa Sư phạm Mầm non, Trường Đại học Hồng Đức năm 2006, tôi được nhận về làm giáo viên hợp đồng ở Trường Mầm non Lương Ngoại (Bá Thước). Hơn 10 năm sau, tôi được biên chế chính thức vào ngành Giáo dục. Đến tháng 5/2020, tôi được cấp trên điều động, bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn.
“Khi tôi chọn nghề sư phạm mà lại là khoa Mầm non, nhiều người ngạc nhiên lắm. Lúc đầu gia đình cũng phản đối kịch liệt, bạn bè, người ngoài đàm tiếu. Thế nhưng, do yêu trẻ, yêu nghề nên ai nói gì, mình cũng coi đó là chuyện bình thường…”, thầy Quân tâm sự.
Theo thống kê, tại huyện vùng cao Bá Thước (Thanh Hóa) hiện có 17 thầy giáo đang trực tiếp chăm sóc và giảng dạy trẻ Mầm non. Đây là huyện vùng cao có lượng giáo viên Mầm non là nam chiếm tỉ lệ cao nhất tỉnh Thanh Hóa. Trong đó có nhiều thầy có thâm niên nhiều năm gắn bó với nghề như: Thầy Lương Văn Sắng - 33 năm, thầy Hà Văn Hặc - 31 năm (Trường Mầm non Văn Nho); thầy Hà Văn Đức - 28 năm (Trường Mầm non Kỳ Tân); thầy Trịnh Hồng Quân - 17 năm (Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn); thầy Bùi Văn Anh - 5 năm (Trường Mầm non Hạ Trung); thầy Lê Văn Toàn - 4 năm (Trường Mầm non Điền Hạ)…
Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước cho biết, vừa qua, tại Chương trình "Thay lời tri ân" năm 2023 với chủ đề "Tôi chọn nghề giáo" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2, thầy Bùi Văn Anh và Lương Văn Sắng - hai trong số 17 thầy giáo Mầm non của huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện trong chương trình để chia sẻ những câu chuyện thú vị của "thầy nuôi dạy trẻ". Có thể nói việc có thêm các thầy trong trường, cũng là nâng cao nhận thức cho những người làm công tác giáo dục cần xóa bỏ định kiến giới.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, cấp học Mầm non hiện có 62 giáo viên nam tham gia giảng dạy tại các huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc... Hình ảnh các thầy giáo Mầm non nhiệt huyết, yêu nghề, nỗ lực cắm bản, cắm thôn đã giúp sự nghiệp giáo dục ở vùng núi còn nhiều khó khăn từng bước được nâng cao, có chuyển biến tích cực.
Khiếu Tư - Nguyễn Nam