Chuyện về những người lính nhà giàn DK1

Chuyện về những người lính nhà giàn DK1

Một trong các câu chuyện về tình yêu mà những người lính nhà giàn vẫn kể cho nhau nghe là mối tình của thiếu ủy chuyên nghiệp Nguyễn Việt Dũng ở nhà giàn DK1/2. Có người yêu là sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, sau một thời gian tìm hiểu, yêu nhau, đôi bạn trẻ này đã quyết định báo cáo đơn vị và hai bên gia đình để đi tới hôn nhân.

Chú rể Nguyễn Việt Dũng và cô dâu Trịnh Thị Hường trong ngày “cưới lại” với sự có mặt của các bạn bè, đồng đội (ảnh do nhân vật cung cấp)
Chú rể Nguyễn Việt Dũng và cô dâu Trịnh Thị Hường trong ngày “cưới lại” với sự có mặt của các bạn bè, đồng đội (ảnh do nhân vật cung cấp)

Ngày cưới đã được hai gia đình ấn định vào ngày 24 tết năm 2008. Ở quê nhà, công việc chuẩn bị cho lễ thành hôn đã được chuẩn bị chu đáo. Nơi biển xa, chàng rể cũng sẵn sàng tư trang về quê… cưới vợ. Nhưng đúng hôm trước chuẩn bị lên tàu vào đất liền, “ông trời” trở chứng, biển động mạnh, sóng to cấp 7, cấp 8, không thể dùng xuồng để đưa cán bộ, chiến sỹ lên con tàu hải quân neo đậu cách nhà giàn gần 1 km. Nhìn từng đợt sóng biển cao lững lững xô vào chân nhà giàn, ruột gan anh như lửa đốt. Phương tiện liên lạc với đất liền lúc đó cũng rất khó khăn, nên cô dâu và hai họ hết sức lo lắng vì không biết điều gì đang xảy ra “ở nơi chân trời, góc bể”.  Tuy nhiên, ở quê nhà, đám cưới vẫn diễn ra, tuy vắng mặt chú rể nhưng không vì thế mà kém đi phần trang trọng, ấm cúng với sự có mặt đông đủ của họ hàng đôi bên, bà con chòm xóm. Bởi hơn ai hết, những người ở “hậu phương” đều luôn dành cho những người lính nơi “đầu sóng ngọn gió” sự ngưỡng mộ, cảm thông, cùng muốn chung vui với niềm hạnh phúc của đôi bạn trẻ. Vài ngày sau, biển bớt động, chàng thiếu úy trẻ mới “cập bờ”, tay trong tay với cô dâu xinh đẹp đi chào, cảm ơn họ hàng, bà con chòm xóm.

Chuyện tình của người lính nhà giàn như càng đẹp hơn khi gia đình của họ hiện đã có thêm hai thành viên, một trai, một gái. Sau 10 năm công tác tại các nhà giàn, thiếu úy Nguyễn Việt Dũng giờ đã là đại úy và được chuyển về công tác tại Bộ Tư lệnh Hải quân. Tuy được gần nhà, gần vợ con hơn nhưng anh vẫn thường xuyên có những chuyến đi công tác tại các nhà giàn DK1- nơi đã có một thời gian dài anh gắn bó với đong đầy những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời quân ngũ của mình.

 

Không được “thuận buồm, xuôi gió” như thiếu úy Nguyễn Việt Dũng, chuyện tình của trung úy Lê Quang Tiệp ở nhà giàn DK1/11 lại gập gềnh như sóng cả mùa biển động. Yêu nhau 4 năm trời, hai gia đình cũng đã chọn ngày tổ chức lễ thành hôn cho đôi lứa. Ấy vậy, không hiểu “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” thế nào mà đùng một cái “cô dâu” thay đổi thái độ, quyết chia tay với chàng trung úy trẻ đang công tác ở nơi biển xa. Những ngày đầu, anh cũng “sốc” lắm, buồn bã, thậm chí đau khổ. Nhưng được sự động viên, chia sẻ của đồng đội và nhất là trước sự nhận xét thẳng băng theo kiểu con nhà lính “chẳng có gì phải buồn bã vì một bóng hồng không đồng điệu, cảm thông với người lính, nhất là lính đảo, lính nhà giàn. Thậm chí đây còn là điều may mắn bởi hạnh phúc chỉ vẹn tròn khi đôi lứa yêu nhau biết thông cảm, sẻ chia, cùng nhau gánh vác những khó khăn của cuộc sống”. Dần dà, anh cũng vượt qua được cú sốc tình cảm, yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nhà giàn. Như thể cánh chim én báo tin vui, đồng đội anh cho biết giờ chàng trung úy đã “yên bề gia thất” với một cô gái trẻ là cô giáo cùng quê ở Thái Thụy (Thái Bình) và họ đã có với nhau một cô con gái xinh xắn- phần thưởng của một tình yêu không tính toán của đôi trai gái biết gửi gắm, tin tưởng vào một tình yêu, hạnh phúc lứa đôi bền chặt.

Vợ chồng anh Lê Quang Tiệp và con gái trong một chuyến du xuân đầu năm 2015 (ảnh do nhân vật cung cấp)
Vợ chồng anh Lê Quang Tiệp và con gái trong một chuyến du xuân đầu năm 2015 (ảnh do nhân vật cung cấp)

 Bên cạnh những câu chuyện về tình yêu, tình đồng đội, những câu chuyện về tình cảm quân dân, tình cảm của hậu phương dành cho người lính đảo, lính nhà giàn cũng rất xúc động. Đơn cử như chuyện của trung tá  Nguyễn Văn Hùng- Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/12, quê ở An Lão (thành phố Hải Phòng). Ở quê nhà, vợ anh bị ốm nặng, con phải đi cấp cứu giữa đêm khuya. Khi hay tin, bà con hàng xóm đã đưa hai mẹ con đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Chính quyền và các đoàn thể phân công nhau đến bệnh viện thăm hỏi, cử người chăm sóc, giúp đỡ đến khi vợ con anh bình phục, được xuất viện. Ở nhà giàn xa xôi anh cũng phần nào an tâm trước nghĩa cử đẹp của hậu phương dành cho người lính nhà giàn và vợ con mình.

Sáng sớm ở nhà giàn DK 1/12. Ảnh: Mai Hưng- TTXVN
Sáng sớm ở nhà giàn DK 1/12. Ảnh: Mai Hưng- TTXVN

Vài câu chuyện nhỏ trên chỉ là minh chứng cho nhiều, rất nhiều những câu chuyện cảm động về những người lính nhà giàn DK1. Tuy chưa thể kể hết được những nghĩa cử, tình đồng đội giữa những người lính và tình cảm của hậu phương dành cho người lính đảo, lính nhà giàn nhưng có điều chắc chắn rằng những người con ưu tú đó luôn nhận được sự kính trọng, tôn vinh của xã hội. Bởi như lời của Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên tiểu đoàn DK1 (Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân): nằm “chông chênh” giữa biển trời bao la, người lính ở các nhà giàn DK 1 luôn đối mặt với các hiểm nguy rình rập.Trong bối cảnh như vậy, đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ nhà giàn không chỉ có bản lĩnh vững vàng, một kỷ luật thép mà còn phải tạo dựng được một khối gắn kết, tương thân tương ái, nghĩa tình đồng đội sâu nặng, sống chết có nhau. Đó chính là sức mạnh giúp những người lính nhà giàn vượt qua khó khăn, thử thách, “trụ vững” giữa biển trời bao la, góp phần bảo vệ vững chắc vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

                                                                                 

                                                                                                                         Mai Hưng

 

Có thể bạn quan tâm