Ngày Tết là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Tuy nhiên nhưng với những người làm công tác bảo vệ rừng ở Kon Tum, ngày tết trùng với cao điểm thực hiện nhiệm vụ của mình. Những ngày đầu năm mới, nhiều nhân viên ở Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô (Kon Tum) đón Xuân trên núi. Với họ, vui Xuân nhưng nhiệm vụ bảo vệ rừng vẫn phải nghiêm túc thực hiện.
Xông đất trạm bảo vệ rừng
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô đang quản lý, bảo vệ gần 30.000 ha rừng ở 3 huyện Sa Thầy, Đăk Tô và Tumơrông. Để tạo thuận lợi cho công nhân bảo vệ rừng khi đón Xuân, ngay trước Tết, tại các tiểu khu được xem là điểm nóng thuộc Lâm trường Đăk Tô, chủ rừng đã đưa vào 3 trạm quản lý bảo vệ rừng vào hoạt động.
Mùng 2 Tết, tại Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 vừa đưa vào hoạt động ở tiểu khu 276 thuộc Lâm trường Đăk Tô, đây được xem là điểm nóng nhất trong việc khai thác lâm sản trái phép của công ty. Trạm quản lý bảo vệ rừng là căn nhà được dựng và hoàn thành ngay trước Tết Nguyên đán, gồm phòng khách kết hợp làm việc, phòng ngủ và bếp. Nhà được dựng tại điểm thuận lợi nhất cho quan sát, quản lý, đi lại. Mỗi nhà đều có lắp điện mặt trời để phục vụ sinh hoạt của mọi người khi đêm về. Trong trạm, lương thực, thực phẩm mang hương vị Tết có đủ như bánh chưng, bánh tét, hoa quả, trái cây, thịt rau… để phục vụ cho cán bộ, công nhân viên làm việc xuyên Tết, tạo thêm không khí Xuân trên núi.
“Năm nay, trực bảo vệ rừng, anh em đã có chỗ trú ngụ qua đêm rất thuận lợi. Vì trên đỉnh núi nên khó nhất với anh em trong trạm là nước uống. Trên rừng, suối ở xa nên việc vận chuyển nước rất khó khăn. Chúng tôi phải chở nước từ làng đưa lên hoặc lấy nước từ các khe suối nhỏ trong rừng”, anh Hoàng Công Minh đội trưởng đội khai thác, bảo vệ rừng Lâm Trường Đăk Tô chia sẻ.
Thấu hiểu khó khăn của những người giữ rừng, trong ngày xông đất đầu tiên ở trạm, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: sau Tết đơn vị sẽ cung cấp cho mỗi Trạm quản lý bảo vệ rừng một bồn có dung tích lớn trữ nước để phục vụ sinh hoạt. Công ty sẽ hỗ trợ tốt nhất để khắc phục khó khăn cho các cán bộ nơi đây.
Theo ông Nguyễn Thành Chung, diện tích rừng do đơn vị đang quản lý có nhiều thôn, làng sống quanh rừng, tạo áp lực lớn đến công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Công ty xác định có 32 điểm với diện tích hơn 600 ha có nguy cơ cháy cao, cháy lớn cần tập trung quản lý, bảo vệ. Trước thực trạng trên, nay từ đầu mùa khô, công ty đã phối hợp với lực lượng chức năng sớm triển khai nhiệm vụ bảo vệ rừng.
Trước Tết, chủ rừng và các đơn vị chức năng đã vận động, tuyên truyền đến từng hộ dân thực hiện tốt việc bảo vệ rừng. Cụ thể, với hộ dân đang làm nương rẫy gần rừng phải đăng ký về thời gian, lịch đốt thực bì để lực lượng chuyên trách của làng cùng thực hiện nhằm bảo đảm không cháy lan vào rừng. Trong tết, nhóm bảo vệ rừng sẽ có 4-5 người của tổ chuyên trách ở làng và của lâm trường phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Giữ rừng - bảo vệ không gian sống cho buôn làng
Theo lịch, mùng 2 Tết, A Cường và A Xuyết đến lịch trực Xuân. Cả 2 đã mang theo cơm, bánh và nước lên chòi canh ở đầu lối vào rừng ở Lâm trường Đăk Tô (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô). Tiểu khu 276 thuộc Lâm trường Đăk Tô nơi A Cường và người của làng Đăk Kon tham gia bảo vệ là điểm “nóng” trong việc phát nương làm rẫy. Diện tích rừng nơi đây, rẫy mỳ (sắn) của dân bao quanh. Việc rẫy dân sát rừng đe dọa đến 270 ha rừng mà làng Đăk Kon đang nhận khoán bảo vệ.
“Ngày Tết, vui xuân nhưng chúng tôi vẫn thay phiên nhau trực gác bảo vệ rừng. Tết Nguyên đán Tân Sửu, thanh niên ở các tổ chuyên trách bảo vệ rừng trong làng chia nhau trực 24/24 giờ để bảo vệ rừng. Với người dân, giữ được màu xanh của rừng chính là giữ, bảo vệ không gian sống cho buôn làng” anh A Cường, thành viên tổ chuyên trách ở làng Đăk Kon xã Đăk Rơ Nga huyện Đăk Tô khẳng định.
Ngay từ đầu mùa, ngoài việc làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, làng Đăk Kon còn kiện toàn lại tổ chuyên trách bảo vệ rừng. Làng Đăk Kon cùng chủ rừng đã xây dựng quy chế hoạt động của tổ chuyên trách để nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng nơi đây. Thanh niên là lực lượng chủ chốt trong tổ chuyên trách bảo vệ rừng. Mỗi thành viên trong tổ sẽ được phân công nhiệm vụ cụ thể. Kinh phí hoạt động sẽ trích từ diện tích nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng của làng (được khoảng 200 triệu đồng/năm). Cùng đó, chủ rừng hỗ trợ thêm để tạo thuận lợi nhất cho tổ hoạt động…
“Những ngày Tết, mình vẫn bố trí thời gian cho gia đình và người thân. Vui Xuân nhưng nhiệm vụ bảo vệ rừng vẫn được đặt lên trên hàng đầu. Tất cả mọi người được phân công đều thực hiện nghiêm túc. Giờ là cao điểm mùa khô, người đi đường chỉ cần vô ý vứt tàn thuốc hay đốt rẫy không có kiểm soát là lửa sẽ bùng phát. Cùng đó, các diện tích gần rẫy dân cần lưu ý hơn”, anh A Xuyết cho biết.
Ngoài việc bảo vệ rừng từ bên ngoài, tổ bảo vệ rừng làng Đăk Kon còn tuần tra ngăn chặn tình trạng xâm phạm rừng nơi đây. “Khi thực hiện nhiệm vụ, mình dùng con mắt để quan sát, ngăn chặn người lạ vào rừng. Dùng tai nghe tiếng máy cưa, máy nổ để sớm phát hiện các đối tượng đang phá rừng. Khi phát hiện vụ việc, mình sẽ liên lạc với người của Lâm trường và tổ bảo vệ rừng làng để phối hợp thực hiện nhiệm vụ”, A Cường truyền đạt kinh nghiệm giữ rừng.
Ngoài bảo vệ rừng, làng Đăk Kon còn có gần 30 hộ tham gia trồng rừng cùng chủ rừng.Việc trồng rừng tại các tiểu khu, khu vực bị dân xâm canh đã mang lại màu xanh, không gian sống cho dân làng nơi đây.
Một mùa Xuân mới đã về trên các cánh rừng ở Kon Tum. Mùa Xuân của mầm xanh và hy vọng cho buôn làng.
Cao Nguyên